Nhộn nhịp chợ phiên ngày giáp Tết
Khi những cánh hoa đào bắt đầu bung nở trên những cung đường uốn lượn theo sườn núi, đó cũng là thời điểm báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Không khí Tết cổ truyền đang dần xuất hiện ở mọi nơi, từ vùng núi cao đến đồng bằng, từ miền xuôi lên miền ngược. Đến với Xín Mần (Hà Giang) hương vị ngày Tết không chỉ trong tư tưởng mỗi người mà còn cảm nhận rõ hơn ở những phiên chợ vùng cao.
Chợ phiên thị trấn Cốc Pài được diễn ra vào chủ nhật hàng tuần. Đây là phiên chợ trung tâm được nhiều người mong chờ nhất vào dịp cuối tuần. Mỗi khi có chợ phiên, bà con nhân dân sẽ mang những sản phẩm “cây nhà lá vườn” như rau, củ quả, gà, vịt… để ra chợ bán. Cùng với đó, chợ phiên thị trấn Cốc Pài cũng thu hút được một lượng lớn các tiểu thương ở khắp nơi. Gần Tết chợ như khoác lên mình một chiếc áo mới rực rỡ, tươi vui, tập trung đông lượng người mua, bán hơn.
Ngay từ sáng sớm Chủ nhật, các gian hàng đã được bày bán kín chỗ cả khu chợ với những mặt hàng đa dạng, phong phú phục vụ người tiêu dùng. Người dân ở các xã đổ về, chở trên xe là sản phẩm nông nghiệp của gia đình. Nhiều mặt hàng rau, củ, quả xanh mướt bao phủ trên những chiếc quẩy tấu mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Đi dọc khu vực chợ trung tâm thị trấn Cốc Pài, những gian hàng đã không còn chỗ trống, ngay cả dọc 2 bên trục đường chính nội thị trấn cũng được người dân tận dụng.
Phương tiện ô tô sẽ được thị trấn bố trí di chuyển theo đường tránh để tạo thuận lợi cho người dân địa phương buôn bán, nên không gây cản trở giao thông trong thời gian diễn ra chợ phiên. Hàng hóa ở chợ phiên Cốc Pài dịp này tăng nhiều, đặc biệt những sản phẩm quen thuộc ngày Tết như lá dong, lá chuối, ống giang hay những gian hàng bán hương thắp cũng đã xuất hiện càng nhiều.
Bà Lù Thị Inh, xã Tả Nhìu cho biết: Hôm nay, tôi mang rau cải, củ cải và ít măng xuống chợ bán, hy vọng sẽ có ít kinh phí để mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình. Còn bà Thào Thị Soa, tiểu thương ở Tuyên Quang thì chia sẻ: Tôi quê ở xã Thèn Phàng, nhưng lấy chồng về Tuyên Quang. Gia đình tôi có nghề truyền thống chạm bạc, vì thế cứ dịp cuối năm là tôi lại lên chợ phiên Cốc Pài và các xã để bán trang sức làm bằng bạc. Ngoài ra, tôi có bán các loại thảo dược bảo vệ sức khỏe.
Theo người dân ở thị trấn thì cứ vào dịp trung tuần tháng 12 âm lịch, chợ phiên thị trấn Cốc Pài bắt đầu nhộn nhịp, lượng người đi chợ đông gấp đôi phiên ngày thường, trong đó có cả khách du lịch đến tham quan, mua sắm.
Chị Vũ Lan Hương, du khách Hà Nội chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến với chợ phiên Cốc Pài, ngày cuối năm rất đông người, hàng hóa cũng nhiều. Tôi thích nhất vẫn là những sản phẩm nông nghiệp của đồng bào tự trồng, tự nuôi. Mỗi người dân chỉ cần một quẩy tấu, một tấm bạt nhỏ để rau, củ, tất nhiên không thể thiếu những con lợn đen bản địa theo chân người dân xuống chợ tạo nên bản sắc độc đáo của chợ phiên vùng cao ngày Tết.
Phiên chợ những ngày giáp Tết khác nhiều so với ngày bình thường, dãy hàng gạo, hàng bán hạt đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, hạt nào cũng mẩy căng bóng loáng. Đi một vòng từ đầu đến cuối chợ, hàng bán hương thắp bắt đầu tấp nập người hỏi mua. Ai cũng muốn chọn những bó hương thơm, to đều và giá cả hợp lý. Hương thơm được bày bán chủ yếu do người dân địa phương làm từ cây quế nên có hương thơm đặc trưng.
Ghé vào một gian hàng của bác Dìn ở xã Nấm Dẩn bán lá dong, đây là nguyên liệu làm nên bánh chưng, bánh giầy đậm hương vị của ngày Tết. Để chuẩn bị cho phiên chợ, ngày hôm trước ông Dìn phải vào rừng để lựa chọn những chiếc lá dong bánh tẻ, màu xanh đẹp, khổ lá rộng vừa phải và lành lặn rồi bó từng bó mang ra chợ. Hôm nay, ông cũng chỉ mang ra chợ phiên tầm khoảng chục bó để bán và đã được nhiều người đặt mua gần hết. Đến cuối các gian hàng tôm, cá vẫn có nhiều người tập trung đông, những con tôm được đánh bắt từ dưới lòng hồ thủy điện vẫn còn tươi roi rói, nhảy tanh tách trong chậu thu hút sự quan tâm của nhiều người. Các hàng bán cá Chép, cá Vàng đầy đủ kích cỡ phục vụ cho người tiêu dùng trong dịp Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Tết cổ truyền đang đến gần, chợ phiên trở nên nhộn nhịp đối với người dân địa phương. Một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc để người dân mua sắm cho gia đình những vật dụng cần thiết cho ngày Tết, đón chào năm mới ấm áp và tràn đầy hạnh phúc.