Ân tình tất niên và gia vị tình thương
Tất niên, với tôi, luôn là dịp tổng kết những ân tình. Tất niên xao xác, bỗng nhớ hai câu thơ cũ: “Có con én ngậm mùa xuân qua ngõ. Thương đến nhói lòng một tiếng chim rơi”.
Thời gian chớp mắt, mười hai tháng trôi vèo rất nhanh. Chỉ cần nhìn lại từng khoảnh khắc 365 tờ lịch rời khỏi bức tường, thấy bao nhiêu gương mặt lạ quen vụt qua thảng thốt, thấy bao nhiêu nụ cười chưa tắt và thấy bao nhiêu nước mắt chưa khô. Kẻ bôn ba đất khách càng thêm trĩu nặng, lúc trống vắng ngó chim én xôn xao những làn cánh mỏng chao xuống phố phường tất niên!
Nhiều lần, tôi tập ngồi lặng im trong buổi chiều chộn rộn tiếng còi xe đô thị, để thử lắng nghe âm thanh Tết, để thử cảm nhận mùi vị Tết. Vậy mà tất cả cứ nhòa đi như cuốn phim âm bản, chầm chậm tái hiện những hình ảnh cố hương. Cố hương phiên chợ nghèo ngày xưa, dáng mẹ đi vai gầy một miền ký ức. Cố hương dòng sông nắng hôm nào, bước em về áo trắng một cõi chiêm bao. Cố hương con đường nhỏ ấu thơ, chân tôi xa vỉa hè lá che xanh một vùng mơ ước. Có ai gọi tôi dưới chân tháp cổ, mà ngọn gió nhớ nhà lật tung những hoài niệm mong manh!
Khi tháng Chạp thổi ngang phố vài cơn gió hiu hiu làm những buổi chiều như dài thêm ra, người ở TP Hồ Chí Minh vốn đã hối hả lại càng hối hả hơn. Cuối năm, có quá nhiều thứ để lo, để nghĩ. Cuối năm, tôi cứ thấy xao xác một miền trống vắng cho những nỗi nhớ không đâu vào đâu. Chả ai bắt, mà cứ chùng lòng về vài điều được mất của mười hai tháng loáng thoáng trôi qua. Lúc nào tôi cũng có cảm giác ngày cuối cùng âm lịch trôi qua rất vội vàng. Có thể hối hả một công việc chuẩn bị cho năm mới, hoặc có thể âu lo một món nợ phải trả trước giao thừa, thì ngày cuối năm luôn gói ghém ưu tư từng người. Tiếng cười trong trẻo sắp được mặc áo mới của trẻ thơ, tiếng gậy trúc khua bên thềm hoa nở của cụ già, hay tiếng hẹn hò qua điện thoại thông minh hoặc qua tin nhắn trực tuyến của trai gái… len lén thức dậy bên tôi những mơ mộng yên lành ngày cuối năm. Vui hay buồn không rõ, náo nức hay xao xác cũng không rõ, nhưng ngày cuối năm vẫn thấy cần lắng lòng nghĩ cho mình. Nghĩ cho riêng mình thôi, mà biết đâu cũng đang nghĩ cho người khác!
Tất niên, thăm thẳm hoài niệm, để lại một tiếng còi xe bất chợt, để lại một dòng kênh im ắng, để lại một con phố nhạt nhòa… Tất niên, thinh lặng giữa huyên náo, chỉ muốn tự mình hỏi mình, năm qua có lỗi với ai không, năm qua có làm điều gì phải hối hận không? Tất niên thường ám ảnh tôi bằng những bàn chân cuống cuồng và những cái nhìn bịn rịn. Mảnh đất tụ hội mưu sinh lập nghiệp như ở thành phố này, cứ Tết đến thì ai cũng vội vã quay về quê cũ, bỏ lại bao con đường thưa thớt khác hẳn ngày thường. Lạ thật, lúc cái mới đang tới thì cứ nhớ nao nức cái cũ. Ngậm ngùi lắm nhưng cũng rộn ràng lắm, một phút giây hoai hoải gió phương Nam để nghĩ về chuyện chưa xa, người chưa quên.
Chung cư tôi ở càng lùi về tất niên càng vắng vẻ. Tất cả đều là dân tứ xứ đổ về đô thị mưu sinh, những nỗi ly hương luôn khiến trái tim họ đoái vọng phía quê nhà. Dấu hiệu tất niên được thông báo bằng căn hộ khóa cửa im lìm, vì chủ nhân đã đi ngược con đường thương nhớ để có những cuộc sum họp nơi mảnh đất chất phác sinh thành ra họ. Mỗi bận cành mai bên hiên lóe một nụ vàng bất chợt, tôi không còn lạ gì với cảnh già trẻ túi lớn túi nhỏ dắt díu nhau tìm đến bến xe, bến tàu. Tất niên bao giờ cũng vội vàng. Sự hối hả của cả năm dường như dồn lại trong những tờ lịch cuối cùng rời khỏi bloc. Không muốn khẩn trương cũng không được, nào hoàn tất công việc cơ quan, nào mua sắm chuẩn bị đón Tết, nào thăm viếng ơn nghĩa thân tình… Có khi vừa đặt lưng xuống giường, chưa kịp nghĩ trọn vẹn thời gian biểu cho hôm sau, đã thấy trời sáng.
“Số cô chẳng giàu thì nghèo, Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”, ca dao đùa chơi đấy mà nghiêm túc đấy! Mỹ tục thưởng Tết được hình thành như một văn hóa truyền thống, cũng chỉ với mục đích để người lao động có được miếng thịt treo trong nhà khi bước qua đêm trừ tịch linh thiêng. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc tạo ra những khoảng tĩnh lặng quý giá để mọi người nghĩ đến nhau và trân trọng nhau. Cái phong bì lì xì mang theo mong ước của bậc cha ông sao cho cháu con lớn lên không phải vất vả ăn đong, không phải xuôi ngược vay mượn. Phúc lộc gửi theo cái phong bì đâu chỉ mừng tuổi cho trẻ em, mà còn thể hiện sự thông cảm giữa những người lớn.
Giữa những bước chân vội vã lướt qua từng khoảnh khắc cuối năm, không hiểu sao tôi lại thường nghĩ đến cái Tết của những mảnh đời âm thầm và lặng lẽ. Nghĩ trong ngổn ngang rung động bỗng thấy lòng ấm áp sẻ chia. “Làm như ba ngày mùa để đâu cho hết, ăn như ba ngày Tết lấy gì mà ăn”, câu thành ngữ này hơn một lần thúc giục tôi suy nghĩ kỹ lưỡng về giá trị đồng tiền. Kinh tế càng thịnh vượng càng xuất hiện nhiều đại gia. Thế nhưng, người giàu chỉ đồng nghĩa với người sang khi biết mở lòng ra với những cuộc đời xung quanh. Những kẻ chỉ biết quẩn quanh kiếm tiền và đếm tiền, sẽ khiến đồng tiền mang màu sắc lạnh lùng và ác nghiệt. Ngày Tết chúng ta biết chúc nhau phát tài, thì cũng biết minh oan cho đồng tiền. Lẽ nào người có nhiều tiền lại quên rằng họ đang có cơ hội để nuôi dưỡng sự hào hiệp cho chính mình giữa cuộc sống chộn rộn? Ngày Tết của người giàu có vui sướng không, nếu phiên chợ cuối năm hay mâm cỗ tất niên vẫn chất đầy nỗi lo của người nghèo? Không cần phân định thái độ từ thiện nào với thái độ từ thiện nào, tôi chỉ nắc nỏm một ý niệm, khi người giàu biết cách sử dụng những đồng tiền ân tình thì người nghèo sẽ không ai bị bỏ rơi trong không gian màu nhiệm của ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam!
Hình như càng nhiều tuổi càng ít mong đến Tết. Cái khoảnh khắc tất niên thuở xưa nôn nao hết mực, còn bây giờ lại nghe văng vắng hư ảo. Mang phận tha hương cầu thực, nỗi nắc nỏm trước mỗi giao thừa lại giục bàn chân tôi chộn rộn quay về quê cũ. Tết, cảnh chen chúc tàu xe đã e ngại, mà ám ảnh tuổi tác cũng dần đáng sợ hơn. Được hay thua, mất hay còn, lắm lúc làm tôi cuống cuồng giữa dòng người bất tận. Thế nhưng, thời khắc tất niên, ngồi dưới mái ấm gia đình chợt nghe lòng nhẹ nhàng như nắng sớm vườn mai chơm chớm nụ. Đây là cái xích đu lắc lư tuổi lên năm. Ngoài sân là cây mận leo trèo tuổi lên mười. Còn kia là chiếc xe đạp cút kít tuổi mười sáu cứ chạy tới chạy lui mà chưa bao giờ dám dừng lại trước cổng nhà bạn gái…
Nhìn đâu cũng kỷ niệm ngổn ngang, vẫn không thể giúp tôi lý giải được nó khiến mình già nua hay khiến mình bé dại. Dù có trách bản thân đa đoan thì nhớ thương cứ giăng mắc như lộc non nảy cành sau đợt rét dài. Phút giây bận bịu quá khứ như một thứ gia vị tình thương làm ngày tất niên ngắn ngủi lại trong khao khát cuộc sống rộng lớn hơn.