Văn hóa

Tết sớm, với lễ cúng máng nước

PHÚ THIỆN 04/02/2024 - 16:30

Mưa phùn những ngày giáp tết không làm cho lễ cúng máng nước của đồng bào Xê Đăng tại Nam Trà My, Quảng Nam vơi đi náo nhiệt. Những gương mặt hồ hởi trong khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, dưới bóng cờ phấp phới.

Khoảnh khắc ngước nhìn lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên cây nêu vừa được dựng giữa vuông sân nhà làng Cheng Tong, tôi hồ như nghe cả khúc tự tình dân tộc...

tnb-63005-01.jpg
Lễ cúng máng nước của người Xê Đăng được xem như tết sớm của đồng bào Nam Trà My. Ảnh: P.T

Dựng nêu

Trước ngày dân làng Cheng Tong (thôn 1, xã Trà Cang) tụ họp về nhà sinh hoạt cộng đồng, già làng Phạm Khải Hành tập trung con cháu cùng thanh niên trai tráng trong làng vào rừng tìm lồ ô.

Họ đang chuẩn bị dựng cây nêu để thực hiện nghi thức cúng máng nước truyền thống của cộng đồng mình. Bạt ngàn lồ ô xanh mướt nơi cánh rừng, già làng Phạm Khải Hành nhìn ngắm kỹ càng, rồi chốt hạ một cây đẹp nhất.

“Xin thần rừng hãy chứng giám cho chúng con, thân cây này dân làng xin đón nhận, và dâng trả lại cho người bằng những sản vật trù phú mà chúng con làm ra”. Lời vừa dứt, già làng Phạm Khải Hành ra hiệu cho mọi người đốn cây, rước về trong niềm biết ơn vô hạn.

Cây nêu, trong quan niệm của đồng bào Xê Đăng, là chiếc bàn thờ ở các lễ hội. Bóng dáng cây nêu vừa là hình tượng nghệ thuật, vừa hòa quyện kiến trúc chung của ngôi làng, trở thành biểu tượng tâm linh gắn kết con người với đất trời, các vị thần linh trong các nghi lễ truyền thống. Do vậy, vật linh thiêng này không bao giờ được đặt nằm sát mặt đất.

Quay trở lại với hành trình tìm lồ ô, sau khi xin “Thần Rừng”, anh Hồ Văn Bường cùng những thanh niên chia nhau nâng từng đoạn, buộc chặt thân vào hàng cây trước nhà sinh hoạt cộng đồng, song song và cách mặt đất hơn 1m. Họ nói, làm như vậy để tránh có người vô tình bước qua.

Trong cảm thức của những điều thiêng đã ăn sâu vào nếp nghĩ, anh Hồ Văn Bường nói: “Được đi tìm lồ ô cùng già làng và trang trí cây nêu là niềm tự hào mà không phải thanh niên nào cũng có được. Những người được già làng chọn làm công việc này đa số đều đã trưởng thành, có lối sống lành mạnh và quan trọng là phải tỉ mỉ, biết trang trí cây nêu”.

Với cộng đồng làng Xê Đăng, cây nêu càng cao, càng dễ với tới thần linh đang ngự trị trên trời. Dọc theo thân cây dài, họ trang hoàng những sợi dây sặc sỡ, thu hút, mời gọi thần rừng, thần núi.

Xen lẫn trong đó là hình nộm, hoa văn tượng trưng cho heo, gà, chim chóc, cá, tôm, lương thực, hoa màu. Tất cả được làm bằng gỗ, giấy cứng, sợi xốp và mây tre đan. Đó là những lễ vật mà người Xê Đăng dâng lên đất trời, tạ ơn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Thoáng trong xanh biếc mây trời, lá cờ Tổ quốc phất phới. Vài chục lá cờ nhỏ hơn kết vào các nhánh lồ ô, tỏa ra nhiều hướng. Trong không gian tôn kính, người đứng đợi như cùng mang theo một dòng năng lượng, tỏa ra từ lòng tự hào quê xứ.

Thời khắc cây nêu được dựng lên, đất trời như chững lại. Phải chăng vì lòng thành của những người con núi rừng đã được chứng giám? Người Xê Đăng dâng hiến những sản vật được thần linh ban phát, để tri ân đấng tối cao. Anh Bường tay ôm chặt thân nêu, các thanh niên khác cũng lần lượt vây quanh, ghì sát người vào rồi hô vang, đọc những lời cầu nguyện cho năm mới.

Lời tung hô theo nhịp rung bần bật của cây nêu trong gió, bay về phía thần linh - vốn đang ngự trị trong tâm thức người dân.

Anh Bường lại hô lớn: “Nào, hai, ba”. Cây nêu mỗi lúc rung lên càng mạnh, lễ vật rơi rớt, bay tứ tung trong không gian. Mắt họ hướng về phía ngọn cờ. Trong những ánh nhìn lấp lánh, có bóng dáng của Tổ quốc.

Giữ truyền thống tộc người

Hai năm nay, người dân ở khu dân cư Cheng Tong tổ chức lễ cúng máng nước quy mô lớn nhất tại Trà Cang. Dù cư dân trong làng mới đến đây chưa lâu, nhưng huyết quản người Xê Đăng đã thôi thúc họ luôn hướng về cội nguồn mình.

tnb-63005.jpg
Tết của người Xê Đăng. Ảnh: P.T

Bà Trương Thị Luôn - Bí thư Chi bộ thôn 1 chia sẻ, từ ngày về làng mới, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn, đường làng sạch sẽ, việc làm ăn của người dân cũng trở nên thuận tiện. Họ nói, họ biết ơn Đảng và Nhà nước.

“Bây giờ đã thích nghi với cuộc sống mới, tiến bộ, văn minh hơn, do vậy, việc của chúng tôi là phải duy trì bằng được những phong tục, lễ nghi truyền thống của cha ông. Vì đó là vốn quý để tạo nên mối gắn kết cộng đồng không chỉ trong thôn, mà còn với cả những cộng đồng Xê Đăng ở những làng khác” - bà Luôn nói.

Làng Cheng Tong rất coi trọng lễ nghi cúng máng nước. Năm nay, nghi thức này được tổ chức cẩn trọng, chu đáo hơn vì có cư dân làng khác tham dự.

Trong niềm kiêu hãnh vì bản sắc được giữ gìn, sâu xa hơn, người làng Cheng Tong còn mong sẽ vun đắp thêm tự hào trong cộng đồng người Xê Đăng vì bản sắc của tộc người mình.

Dọc đường đi từ cầu treo vào làng, cờ hoa giăng kín. Bờ rào tre năm ngoái được trồng mới, mọc chen những khóm hoa cúc vàng, vạn thọ nở li ti. Một không gian cộng đồng đẹp cả về hình thức và tấm lòng.

Trước ngày diễn ra lễ cúng, anh Hồ Văn Lăng cùng vài thanh niên kiểm tra lại một lượt các khâu chuẩn bị, vài chi tiết nhỏ như cặp ghế lồ ô bên dòng suối, hay chiếc cối quay bằng sức nước cũng được bài trí cẩn thận.

“Mấy cái này đều quen thuộc với người dân Cheng Tong rồi, nhưng có thể mới lạ với những du khách ở xa. Họ đến đây phải có chỗ để ngắm, để chụp hình, người ta mới thấy thú vị mà lần sau ghé tiếp” - anh Lăng tâm đắc.

Trên cung đường giữa khu dân cư khang trang, bà Trần Thị Kim Hoa (thôn 3, Trà Cang) chăm chú nhìn lại mình trong bức ảnh được trưng bày ở cổng chào lễ hội. Khoảnh khắc nghệ nhân của làng ngồi dệt vải được nghệ sĩ nhiếp ảnh dụng công để bắt lấy.

“Tôi thấy vui sướng vì chính quyền, cộng đồng quan tâm hơn đến nghề dệt truyền thống. Tâm huyết bao nhiêu năm của mình cuối cùng cũng chạm đến người khác” - bà Hoa xúc động nói.

Lễ cúng máng nước của người Xê Đăng tại làng Cheng Tong là lễ hội được tổ chức lần thứ 2 theo nghi thức truyền thống với sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số.

“Tổ chức lễ cúng máng nước thể hiện sự tôn trọng và quan tâm của chính quyền đối với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người đồng bào. Dù cuối năm, công việc đồng áng tất bật, nhưng đây là lễ tết lớn trong năm nên ai cũng hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình.

Với quyết tâm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa, tạo sân chơi cho nhân dân, hướng đến phát triển du lịch trong cộng đồng, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, khôi phục các làng nghề truyền thống. Làm như vậy, vừa giữ gìn được văn hóa, vừa nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” - ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang chia sẻ.

Thấp thoáng những ngọn đồi lô xô nhìn từ làng mới. Cheng Tong - một cộng đồng làng Xê Đăng hồn nhiên và thuần khiết, đang đón đợi những bước chân người...

PHÚ THIỆN