Đời sống tâm linh của người Vân Kiều và Pa Kô
Đời sống tâm linh của người Vân Kiều và Pa Kô ở Quảng Trị rất phong phú và có nhiều nét đặc trưng. Qua thời gian các dân tộc thiểu số biết chọn lọc, bài trừ dần các hủ tục lạc hậu để giữ lại những nét đặc sắc.
Lễ cúng mừng lúa mới
Một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của người Vân Kiều, đó chính là mừng lúa mới. Đây là một nghi lễ rất quan trọng, thường được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hằng năm và là dịp để họ báo cáo với thần Lúa và các vị thần linh đã thu hoạch xong vụ mùa, xin tạ ơn đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, thú rừng không phá hoại mùa màng, đem đến vụ mùa bội thu, cho bản làng no ấm.
Lễ vật cúng mừng lúa mới được người Vân Kiều chuẩn bị rất chu đáo để cúng thần linh. Đặc biệt, họ còn dâng lên các vị thần khăn, áo, váy và một số trang sức của người phụ nữ Vân Kiều. Sau khi phần lễ tế Giàng (trời) và các vị thần linh đã được thực hiện xong, người Vân Kiều sum vầy bên nhau ăn uống, vui mừng nhảy múa, ca hát trong tiếng khèn, tiếng đàn, làn điệu dân ca tà oải, oát xa nớt...với ý nghĩa cầu chúc cho cuộc sống người dân bản làng yên bình, mọi người đều mạnh khỏe, nhà nhà quanh năm ấm no.
Lễ hội A Riêu Piing
A Riêu Piing (cải táng, thay nhà mới cho người thân đã khuất) là lễ hội lớn nhất của người Pa Kô. Thông qua lễ hội thể hiện phong tục tập quán, quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, nhất là quan niệm về sự sống và cái chết của con người, là sự kết nối cộng đồng, bền chặt về mặt tâm linh.
A Riêu Piing được người Pa Kô tổ chức với mục đích đem lại sự bình yên, siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, không ốm đau, bệnh tật. Vào dịp này, người Pa Kô huy động cả cộng đồng thực hiện việc cải táng người chết, xây sửa, trang trí lại lăng mộ tổ tiên và coi đây là công việc chung của cả cộng đồng. Lễ thường được tổ chức 5-10 năm/lần và diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm. Các nghi lễ trong lễ hội Ariêu ping diễn ra với nhiều hoạt động như: Cất bốc hài cốt người đã khuất về tập trung lại một khu đất trống để người nhà và bà con láng giềng tổ chức đánh chiêng, trống và dâng hương....Ngoài ra còn có các hoạt động liên hoan văn nghệ, các trò chơi dân gian…Kết thúc lễ hội, hài cốt của những người đã mất, thân nhân đưa về an táng tại các nhà mồ của mỗi dòng họ được xây dựng đúng với truyền thống văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Kô.
Lễ mừng nhà mới
Dựng được căn nhà kiên cố, khang trang là một niềm vui lớn của người Vân Kiều. Do đó, khi nhà hoàn thiện, trước khi đưa vào sử dụng họ thường tổ chức lễ mừng nhà mới (Tưk chôn dống ta-mái) để báo cáo với các vị thần linh, tổ tiên, ông bà, bố mẹ về thành quả gia đình mình làm được trước khi vào nhà.
Để mâm lễ vật cúng nhà mới đầy đủ, người Vân Kiều chuẩn bị một con trâu, lợn, gà, gạo, nếp và các thực phẩm cần thiết khác và món bánh được gói bằng lá dong. Người quan trọng không thể thiếu được là ông thầy cúng (Yiau) và hai người phụ cúng (liam). Từ 9 giờ đêm trở đi, bắt đầu cúng trâu cho tất cả các loại thần như thần Núi, thần Sông, thần số mệnh…Lễ cúng tế này kéo dài đến 12 giờ đêm mới hết. Ý nghĩa của lễ cúng này là mời tất cả thần linh về chứng giám cho gia chủ đã có nhà mới khang trang nay mời các thần về phù hộ và ăn mừng nhà mới. Sau đó là diễn ra hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhảy múa tập thể của tất cả những ai tham gia lễ và lễ đâm trâu.
Tục thờ hồn sống
Theo quan niệm của người Pa Kô, thần bổn mạng (Yang cơt) là vị thần tạo tác ra con người. Người phụ nữ Pa Kô khi về nhà chồng mọi sinh hoạt, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đều theo nhà chồng nhưng hồn sống thì phụ thuộc vào gia đình bố mẹ đẻ. Nếu bố mẹ qua đời thì trách nhiệm này được chuyển sang cho ông chú, ông bác, anh em trai tiếp tục thờ phụng. Thế nhưng có một số trường hợp chị em khi về nhà chồng đau ốm triền miên thì có thể là do thần bổn mạng đòi hỏi đưa hồn sống của người đau ấy từ nhà bố mẹ về nhà chồng.
Lễ vật đưa hồn sống bên nhà trai chuẩn bị. Bên nhà nữ cũng phải lo chuẩn bị lễ vật tương xứng nhà trai. Khi hồn sống được đưa về nhà chồng, 2-3 năm sau nếu có sự đòi hỏi của thần bổn mạng thì phải nâng cấp bàn thờ bổn mạng (được thờ bằng 1 cái bát) lên các cấp độ cao hơn. Một thời gian sau, họ mời thầy cúng đưa bổn mạng của người phụ nữ đó lên vị trí cao hơn (5 giai đoạn là Ruông-Rôq, Ruông-ca, Ruông-pin, Hing và bước cao nhất trong việc thờ thần bổn mạng là Luông). Đối với nam giới, từ cấp độ thờ bổn mạng ở “cái bát” được phép bỏ qua 3 giai đoạn của phụ nữ (Ruông-Rôq, Ruông-ca, Ruông-pin) lên thẳng “Hing” đến “Luông”. Là nam hay nữ, khi làm xong nghi lễ cuối cùng này mới được toại nguyện, hoàn tất trọn vẹn việc thờ cúng bổn mạng của mình.