Đời sống xã hội
Người Bru - Vân Kiều mến khách
Đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình định cư ở miền núi rẻo cao nhiều đời nay. Sự tách biệt bởi khoảng cách địa lý giữa miền ngược với miền xuôi làm cho họ luôn nhận thức được sự hòa đồng, gắn kết với các dân tộc anh em là điều kiện tiên quyết để sinh tồn và phát triển. Bởi thế, mến khách là bản chất luôn hiện hữu của người Bru-Vân Kiều. Sự mến khách của họ không chỉ được biết đến qua vẻ thân thiện, niềm nở đón tiếp dù quen hay lạ mà còn ở nền tảng văn hóa truyền thống được đồng bào sáng tạo từ trong lao động, sản xuất.
Từ cách bố trí nhà cửa và trao gửi các món ẩm thực truyền thống...
Người Bru-Vân Kiều thường bố trí bản làng dọc hai bên bờ sông suối; dưới những quả đồi thấp hay ở giữa thung lũng có thổ nhưỡng màu mỡ, gần nguồn nước để tiện canh tác và sinh hoạt. Đồng bào rất cẩn thận và tỉ mỉ khi dựng lên một căn nhà sàn để ở, đặc biệt là việc chọn cột thờ ma (cột nhà nằm ở góc trong cùng bên phải, hoặc bên trái tùy chủ ý của chủ nhà). Sau khi xin phép Giàng, trưởng bản và nhà chức trách thì chủ nhà sẽ vào rừng bổ một nhát rìu vào cây gỗ vừa ý và để như vậy, sang ngày hôm sau đến kiểm tra, nếu rìu còn nguyên trên thân gỗ thì xem như Giàng đã đồng ý và vận chuyển về làm nhà.
Nhà sàn thường có bố cục ba gian, lần lượt từ trong ra ngoài sẽ là các phòng của con cái, vợ chồng. Gian ngoài cùng nơi đặt cột thờ ma rộng có diện tích gấp đôi các gian còn lại, luôn là gian rộng rãi và thoáng đãng nhất. Đây cũng là nơi chốn mà người Bru-Vân Kiều bố trí ngủ nghỉ cho khách của gia đình. Khách dù nam hay nữ, dù lạ hay quen đồng bào luôn niềm nở đón tiếp và dành cho họ những điều kiện sinh hoạt tươm tất trong khả năng có thể.
Có nhiều kiêng cữ trong nếp ăn, nếp ở của người Bru-Vân Kiều ngay tại căn nhà sàn truyền thống. Trong ngày cưới, những cô con dâu được gia đình chú rể đón về, sau lễ giao nhận dâu giữa hai gia đình, mẹ chú rể dắt con dâu xuống bếp và nhắc nhở một số điều, đại ý đối với người vợ việc bếp núc là tối quan trọng vì từ đây sự yên ổn, no ấm sẽ được nhen nhóm. Con dâu của gia đình chỉ được đi lại từ bếp đến phòng của vợ chồng và ngược lại, kiêng cữ nhất là bước ra phòng dành riêng cho khách.
Trước đây, trong ba tháng đầu sinh nở, bà mẹ và đứa con sơ sinh của người Bru-Vân Kiều còn phải ở trong một căn lều tạm tách biệt khỏi căn nhà sàn; hiện nay, họ dần xóa bỏ lều tạm đi nhưng phụ nữ sau khi sinh vẫn phải ở cữ trong bếp. Quy tắc ăn ở khắt khe là vậy, nhưng riêng đối với khách khứa thì người Bru-Vân Kiều lại cho phép tự do đi lại và hòa nhập sâu rộng vào các nghi thức truyền thống của họ. Nhưng không vì thế mà khách của đồng bào không biết giữ ý tứ và tôn trọng các quan niệm truyền đời.
Người Bru-Vân Kiều có nhiều món ẩm thực truyền thống như: Đọt mây, đọt chuối luộc, canh môn, hành muối, láp (cá khe, làm sạch ruột, ngâm với lá lội, lá cóc để khử mùi tanh, rồi bằm mịn để trộn với gia vị), thịt ếch, thịt chuột rừng giả cầy ăn với xôi nếp, bánh nếp (bột nếp ướt quết lên lá dong, lá chuối rồi nấu chín).
Sáng tạo và đậm đà hương vị truyền thống hơn cả phải kể đến A-dư (bánh mè đen). A-dư làm từ nếp nương đã đãi sạch, nấu xôi lên. Sau khi xôi chín, từng vắt xôi được đồng bào giã với mè đen đã rang giòn trước đó, đến khi nếp và mè quyện lại làm một với nhau thì xúc ra mẹt nhào nặn thành hình tròn theo biểu tượng mặt trăng, mặt trời lúc tỏa rạng nhất là đã hoàn chỉnh xong chiếc bánh. A-dư có thể bảo quản được hàng tuần, còn không thì cứ hong khô trên bếp, khi cần xén từng miếng, ngâm nước rồi chiên hay nướng, lúc này bánh sẽ rộp lên màu vàng mơ và dậy tới mùi thơm tinh túy của núi rừng.
A-dư chỉ được người Bru-Vân Kiều chế biến để phục vụ lễ hội, tết cũng như mời và biếu khách. Lúa nương là một trong những hoa lợi quý giá nhất nên việc mời khách miếng bánh A-dư với nếp là nguyên liệu chính khi có dịp, biếu khách chiếc bánh A-dư lúc cái bụng đã trân quý nhau là một trong những nghĩa cử mến khách đẹp đẽ của người Bru-Vân Kiều.
...đến tính đoàn kết cộng đồng
Đến tháng 12/2023, đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình có 3 lễ hội đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch (Bố Trạch), lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) và lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Bên cạnh đó, vào mỗi dịp đầu năm mới, sau ba ngày Tết Nguyên đán, ở một số địa bàn đồng bào Bru-Vân Kiều có tổ chức lễ đám chay (giỗ họ), lễ buộc chỉ cổ, tay... Quy trình tổ chức một lễ hội của người Bru-Vân Kiều dù lớn hay nhỏ đều không thể thiếu thành phần khách mời. Từ họ hàng, bạn hữu, các ban, ngành trong tỉnh, huyện, xã (tùy quy mô), những nhóm tộc người anh em sống quanh vùng đến khắp bản làng xa xôi cùng hay khác nhóm tộc người.
Trong lễ hội đập trống của người Ma Coong, nghi thức huyền bí và hấp dẫn nhất là lúc mặt trống được mọi người tham gia lễ hội dùng một đoạn cây mây ra sức đập mạnh cho vỡ ra, để con cháu Ma Coong được hưởng một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bội thu và ấm no như họ hằng quan niệm và mong ước. Tính đoàn kết cộng đồng, sự cố kết giữa chủ thể và khách thể của lễ hội cũng như lòng mến khách của đồng bào được tỏ lộ rõ rệt khi dân bản, khách mời và du khách hiếu kỳ cùng vỡ òa hạnh phúc khi mặt trống được họ cùng nhau đập vỡ. Tiếng vỡ đó tạo ra từ sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó và tấm lòng luôn rộng mở của người Bru-Vân Kiều.
Người Bru-Vân Kiều tổ chức lễ buộc chỉ cổ, tay vào mỗi dịp đầu năm mới, trong những sự kiện đáng nhớ (cưới hỏi, tân gia, con đi bộ đội...), hay khi gia đình có người đau ốm để sức khỏe, cầu an bình và may mắn. Trung tâm của buổi lễ là sợi chỉ, qua bàn tay, lời cầu khấn của thầy mo đã trở thành sợi dây linh thiêng và sẽ được buộc vào cổ, tay chủ thể của buổi lễ. Tất cả khách mời hay khách ngang qua ghé lại đều được đồng bào mời gọi tham dự và buộc chỉ vào cổ, tay. Sự tha thiết và chân thành đó sẽ khiến ai nấy đều cảm kích và hoan hỉ nhận lấy sợi chỉ linh thiêng để mong cầu sự an yên đến cho bản thân.
Gần như trong tất cả các ngày lễ, Tết, cúng phong tục, sau những nghi thức lễ tế thì người Bru-Vân Kiều sẽ mời uống rượu cần. Rượu cần truyền thống của đồng bào được lên men từ nhiều loại rễ cây rừng gộp lại, trộn với cơm trắng rồi ủ. Rượu cần có vị ngọt thơm, thanh mát, càng uống càng nồng, càng để lâu càng ngon. Để uống, đồng bào dùng sừng trâu múc nước mưa đổ vào hũ rồi hút bằng ống nứa. Không chỉ khách mời, nếu ai có công chuyện vào bản làng của người Bru-Vân Kiều gặp dịp lễ hội hay cả ngày thường thì cũng sẽ được đồng bào mời uống rượu cần.
Bao đời nay, lòng mến khách của đồng bào Bru-Vân Kiều vẫn hiền lành như dòng nước trong veo chảy dưới khe suối, chân thành như núi đồi sừng sững ngàn năm chở che cho bản làng luôn vững vàng trước những biến thiên, thăng trầm. Lòng mến khách ấy phát ra từ trong những di sản văn hóa huyền bí và đặc sắc mà đồng bào đang gìn giữ và trao truyền.