Rộn ràng không khí Tết
Những ngày này, không khí Tết đã náo nức, rộn rã khắp nơi nơi. Các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết được tập kết đầy ắp trong các cửa hàng. Chợ hoa Phủ Lý (Hà Nam) và các khu vực trung tâm từ thành thị đến nông thôn đã tưng bừng sắc đào, quất và nhiều loại hoa, cây cảnh phục vụ Tết. Dù một năm kinh tế có nhiều trầm lắng nhưng nhà nhà người người vẫn hướng về Tết Nguyên đán với một sự háo hức, mong đợi, kỳ công chuẩn bị để có một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn, cầu mong một năm mới bình an, may mắn.
Tại xã Thanh Nguyên, địa phương gần cuối huyện Thanh Liêm không khí Tết đã rất náo nức. Khu vực Phố Cà đầu xã và hai bên trục đường 57, đào, quất và cây cảnh các loại được bày bán nhiều. Màu vàng của những cây quất, loáng thoáng chút hồng của những cây đào nở điểm, màu đỏ của những chậu trạng nguyên, màu vàng của cúc chi,… làm cho vùng quê này đậm đà sắc màu của Tết. Hàng tạp hóa, bánh kẹo bên đường đỏ rực một màu của các loại bánh kẹo, đồ trang trí nhà cửa phục vụ Tết.
Không khí mua sắm đã bắt đầu nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Tươi, một người dân ở xã cho biết chị đã mua sắm đủ bánh kẹo, đồ uống cho Tết, bao gồm bánh kẹo, rượu bia đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên và bánh kẹo mang đi đặt lễ ở nhà họ hàng. Ngoài ra, còn hạt, bánh kẹo, mứt, chè,… để tiếp khách và dùng trong những ngày Tết. Chị cũng đã chuẩn bị đầy đủ gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng, hẹn đặt gà nuôi thả ở một gia đình trong xã, mua đồ khô như măng miến, mộc nhĩ, bánh đa nem, khoai tây,… Giò, thịt lợn dùng trong những ngày Tết gia đình chị sẽ mua ngoài chợ.
Ở xã Liêm Túc, một địa phương cách khá xa trung tâm huyện Thanh Liêm, hàng hóa Tết, quất và cây cảnh cũng đã được bày bán nhiều ở khu vực chợ Liễu Đôi trung tâm xã, nhất là những ngày chẵn phiên chính. Không ít gia đình cũng đã mua đồ chuẩn bị cho Tết như bánh kẹo, măng, miến, cây cảnh,… Anh Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở đây cho biết vợ chồng anh là công nhân khu công nghiệp. Dù năm nay việc ít, thu nhập thấp hơn, nhưng anh chị chỉ có thể giảm chi tiêu cho bản thân, chứ sắm sửa Tết trong gia đình thì không thể thiếu. Đào, quất, bánh chưng, giò, gà, bia, bánh kẹo,… vẫn phải đủ cả như mọi năm. Theo anh, một cái Tết đủ đầy sẽ có một năm mới bình an, may mắn.
Tại thành phố Phủ Lý, trung tâm của tỉnh, khắp các con đường đã tưng bừng sắc đào, quất và nhiều loại hoa rực rỡ phục vụ Tết. Chị Trần Thu Hà, chủ cửa hàng hoa khu vực Siêu thị Minh Khôi cho biết, chị ở Thường Tín (Hà Nội), tập kết quất, đào xuống Phủ Lý bán từ trong mùng 10 tháng Chạp. Những cây đào nở sớm đã được nhiều cơ quan, gia đình mua, thuê về chơi Tết sớm. Mấy ngày nay lượng khách mua đào, quất về chơi Tết bắt đầu nhiều hơn.
Tại Chợ hoa Xuân Phủ Lý họp ở sân vận động thành phố đã gần như kín các hàng hoa, cây cảnh phục vụ chơi Tết. Dù những ngày này trời rét nhưng sau giờ làm việc đã có khá nhiều khách ghé thăm các hàng hoa trong chợ để ngắm và mua. Qua khảo sát sơ bộ, chủ các hàng đào, quất, và các loại hoa chậu nhỏ như cúc chi, trạng nguyên,… đều cho biết nắm được tình hình năm nay kinh tế khó khăn hơn nên các hàng hoa đều chủ động bán giá mềm hơn năm ngoái. Anh Vũ Ngọc Đước, nhà ở Đình Tràng, Lam Hạ, Phủ Lý cho biết, gia đình anh chuyên trồng hoa, cây cảnh phục vụ ngày thường và Tết. Anh mang ra chợ cây hoa hồng ta, trạng nguyên, trà các màu, đồng tiền, hoa giấy, mộc hương,…
Ngoài ra, anh còn lấy 600 chậu cúc chi từ Bến Tre về bán. Anh cho biết cúc chi năm nay anh toàn lấy loại chậu đại, tuy nhiên giá cũng chỉ bằng chậu loại trung bình năm ngoái: 220 nghìn đồng/chậu cúc chi vàng, 250 nghìn đồng/chậu cúc chi đỏ. Loại chậu đại này năm ngoái giá cỡ 300-350 nghìn đồng. Anh chia sẻ, năm nay kinh tế khó khăn, mình bán “mềm” đi chút để dễ mua, dễ bán. Một chủ hàng đào quê ở Kim Sơn, Ninh Bình cho biết năm nào cũng có hàng bán ở chợ hoa Xuân Phủ Lý. Năm nay anh lấy khoảng 300 gốc đào Mê Linh, Hoài Đức (Hà Nội) về bán, đủ loại to, nhỏ để đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Tập kết hàng về chợ từ mùng 6 tháng Chạp, anh đã bán được một số cây với giá thấp hơn năm ngoái.
Anh chia sẻ, tình hình kinh tế năm nay ai cũng nói không khả quan, mình bán rẻ chút để chạy hàng. Tuy nhiên, một số chủ hàng có những gốc hoa “khủng” giá cả cũng vẫn rất “khủng”. Chủ một hàng đào có những gốc đào cổ thụ “khủng” cho biết giá cho thuê một gốc là 70 triệu đồng, chơi đến rằm tháng Giêng thì trả cây. Sức mua ở chợ hoa bắt đầu tăng, và dự đoán cuối tuần sẽ là thời gian cao điểm mua bán.
Ở khắp nơi, từ thành thị đến các vùng quê, không khí Tết đã rất náo nức. Đó là đào, quất và các loại hoa được bày bán cạnh các con đường. Đó là hàng hóa chất đầy trong các cửa hàng. Đó là các khu dân cư, ngõ xóm chăng đèn kết hoa, treo cờ Tổ quốc… Nhà nhà dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đón Tết.
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; phục hồi kinh tế sau dịch bệnh gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nam đã vượt qua khó khăn, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục được duy trì và có bước phát triển, đã hoàn thành 14/16 chỉ tiêu chủ yếu kinh tế - xã hội đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,41% (đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc).
Thu nhập bình quân đầu người đạt 96,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,11%. An sinh xã hội được bảo đảm, các chế độ, chính sách được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của nhân dân ổn định. Những kết quả phấn khởi này đã giúp người dân Hà Nam tiếp tục có một cái Tết Nguyên đán vui vẻ, là động lực để vững tin bước sang năm mới.