Tết xưa trong hoài niệm
Những hoài niệm Tết xưa được tái hiện qua các sự kiện không chỉ tạo cơ hội cho nhiều người hoài niệm về nét văn hóa của đất nước mà còn là dịp để du khách nước ngoài hiểu hơn về cái Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Vừa qua, Ban quản lý (BQL) hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình hoạt động văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2024” với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.
Hoà cùng không khí Tết cận kề và phong tục, “Happy Tết 2024” với chủ đề “Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống” là sự kết hợp độc đáo của nét truyền thống Tết Cung đình xưa với văn hoá Tết nay tạo nên không gian lan toả, linh thiêng và sống động. Lễ hội với quy mô 3.000 - 3.500m2, được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo giới thiệu ngày Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, di sản... các vùng miền trên cả nước. Chương trình bao gồm các không gian: “Chuyến tàu Quê hương”, “Không gian nhà Hà Nội xưa”, “Không gian Tết miền Trung”, “Không gian Tết miền Nam”, “Không gian Tết sắc màu dân tộc”, “Không gian quảng bá ẩm thực” được sắp đặt dàn dựng cùng với các tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ...
Điểm nhấn cho chuỗi trải nghiệm không khí Tết là hình ảnh Nhà ga với chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt, đưa những người con xa quê về ăn tết. Xuất phát từ ga Hà Nội, “Chuyến tàu Quê hương” sẽ đưa người dân và du khách chiêm ngưỡng những vườn hoa xuân rực rỡ hương sắc bên cây cầu chứng nhân lịch sử Long Biên cổ kính. Tiếp đến “Không gian nhà Hà Nội xưa” được phục dựng từ ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.
Bên cạnh đó, chương trình còn có các hoạt động bên lề như: Triển lãm ảnh, tư liệu về Tết xưa; Chương trình biểu diễn nghệ thuật: ca trù, đờn ca tài tử, đêm nhạc trẻ "Tết đong đầy". Các hoạt động trải nghiệm văn hoá, phong tục ngày Tết truyền thống: trình diễn mâm cỗ ngày Tết, gói bánh chưng, giã giò, bày mâm ngũ quả, tỉa hoa thủy tiên, hái lộc đầu năm, xin chữ, viết câu đối… cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: nặn tò he, vẽ tranh, đập niêu, ném còn, bắt vịt…
Ngày 23 tháng Chạp tới, chương trình “Trải nghiệm Tết Việt” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức cũng tạo cơ hội để cho du khách dịp tìm hiểu về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền thông qua hoạt động dựng cây nêu, gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa rối nước… Nhân dịp này, các em nhỏ được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đánh cầu lông gà, đánh mảng, ném pao, tung còn, đẩy gậy… cũng như thỏa trí khám phá 12 con giáp qua việc tô vẽ tranh hay tự tay nặn những con tò he ngộ nghĩnh.
Thông tin từ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chương trình có sự tham gia của PGS.TS Trần Trọng Dương với chủ đề “Năm Rồng nói chuyện Rồng”: Những đứa con của rồng - huyền thoại long sinh cửu tử trong văn hóa Việt Nam; con rồng cháu tiên - biểu tượng rồng trong văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam…
Không gian Tết Nguyên đán cổ truyền được tái hiện lại và trưng bày tại nhiều địa điểm di tích giúp người xem hiểu biết và có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ riêng với người lớn tuổi mà đối với cả thế hệ trẻ ngày nay, ngày Tết cổ truyền luôn mang một ý nghĩa đặc biệt.
Nguyễn Hoàng (28 tuổi, ở Hà Nội) cùng con gái nhỏ tham gia trải nghiệm chương trình “Happy Tết 2024” cho biết, tranh thủ ngày nghỉ, anh đưa con đến tham gia chương trình từ khá sớm. “Tết xưa với nhiều hoạt động truyền thống được tái hiện, đây là dịp để các con biết đến và cảm nhận được những hoạt động truyền thống trong ngày Tết Việt Nam xưa mà các con chưa từng được trải qua, như gói bánh chưng, viết thư pháp cùng ông đồ hay các trò chơi dân gian...” - anh Hoàng nói.
Phó trưởng BQL hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, bà Trần Thúy Lan khẳng định, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm mà UBND quận Hoàn Kiếm, BQL hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cần phải thực hiện. Tổ chức UNESCO đánh giá cao các hoạt động văn hóa do chính cộng đồng tổ chức. Bởi lẽ đó, trong các sự kiện văn hóa hàng năm, BQL hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng đã chủ động kết nối với các đơn vị, cá nhân, để phần lớn các hoạt động sẽ do cộng đồng chung tay thực hiện.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng.