Gương sáng

Từ cậu bé “khát” chiêng tới Nghệ nhân Ưu tú

Tùng Lâm 31/01/2024 - 14:22

Chưa đầy 40 tuổi, nhưng Nghệ nhân Ưu tú A Bâu (thôn Năng Lớn 3, xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã có nhiều năm miệt mài giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Cùng với việc chơi và truyền dạy kỹ năng chơi chiêng, anh A Bâu còn biết làm nhạc cụ dân tộc.

79220004pm95715305pm3-anh-a-bau-duoc-tang-danh-hieu-nghe-nha.jpg
Anh A Bâu được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2019. Ảnh: Tùng Lâm

Vốn là con nhà nòi khi có cha là một nghệ nhân cồng chiêng, từ nhỏ, mỗi buổi tối, A Bâu lại lẽo đẽo đi theo cha đến nhà rông, xem cha cùng những nghệ nhân khác luyện đánh chiêng. Càng xem, A Bâu càng bị âm chiêng cuốn hút, thôi thúc. Đôi tay bé nhỏ lúc ấy khao khát được cầm vào chiếc chiêng, được biểu diễn như cha của mình.

Say mê tiếng chiêng và nhận thức được giá trị cồng chiêng, A Bâu luôn chủ động theo cha học hỏi những kỹ năng chơi chiêng. Thay vì theo lũ bạn nô đùa, A Bâu có thể ngồi hàng giờ xem cha tập luyện, nghe cha chỉ dẫn cách chơi chiêng. Đến khi đủ lớn, tay có thể cầm cuốc làm rẫy, A Bâu được cha “thả cửa” cho tự do tiếp xúc với bộ chiêng, được mang trên người chiếc chiêng nhỏ để tự tập đánh. A Bâu nhanh nhẹn, sáng dạ, những kỹ năng cha dạy trước đó đều được anh tiếp thu kỹ càng và áp dụng khi chơi chiêng. Năm lên 10 tuổi, A Bâu đã có thể đánh chiêng thành thạo và được góp mặt vào đội chiêng nhí của thôn. Vài năm sau, A Bâu trở thành đội trưởng đội chiêng trong trường, tham gia biểu diễn văn nghệ tại các chương trình, lễ hội do nhà trường, chính quyền các cấp tổ chức.

“Năm 1999, tôi 15 tuổi, lần đầu tiên được đi biểu diễn ngoài tỉnh. Đội chiêng chúng tôi được sang tỉnh Đắk Lắk biểu diễn, được giao lưu với nhiều đội nghệ thuật đến từ các tỉnh khác. Chuyến đi để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm, là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật, bảo tồn văn hóa dân tộc” - anh A Bâu kể.

Anh A Bâu lưu giữ một bộ cồng chiêng tại nhà. Ảnh: Tùng Lâm

Để ươm mầm cho thế hệ trẻ giữ gìn cồng chiêng, anh A Bâu đã tự mở lớp dạy cồng chiêng tại nhà, truyền dạy cho những trẻ em đam mê cồng chiêng. Những người lớn có nhu cầu học chơi chiêng, anh cũng tận tình giảng dạy. Hiện tại, trong thôn Năng Lớn 3, ngoài đội chiêng chính gồm 9 người, đội múa xoang chính hơn 20 người, còn rất nhiều người biết chơi chiêng, múa xoang. Họ cùng nhau giữ gìn điệu chiêng, nhịp xoang tại xã Đắk Sao. Bên cạnh đó, để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, anh A Bâu tiếp tục học thêm các kỹ năng làm nhạc cụ dân tộc như đàn t’rưng, ting ning, k’lông pút để phục vụ cho việc biểu diễn văn nghệ của đoàn. “Khi thấy những người khác chơi được t’rưng, ting ning, k’rông pút, tôi thích lắm. Và muốn có nhạc cụ phải làm và để chơi nhạc cụ ấy phải học. Chính vì thế, tôi đã đi theo các nghệ nhân để học cách chơi, chịu khó tìm đến những người làm nhạc cụ để học. Sau thời gian chịu khó học hỏi, tự tay làm hỏng nhiều cây đàn, tôi đã rút ra được kinh nghiệm riêng cho bản thân mình” - A Bâu tâm sự.

Sau khi biết anh A Bâu làm được nhiều nhạc cụ, nhiều người đã tìm đến và đặt hàng anh làm. Với đôi tay khéo léo, lòng đam mê, nhiều chiếc đàn truyền thống của người Xơ Đăng đã đến tay nhiều người có niềm đam mê văn hóa dân tộc.

Với những đóng góp của bản thân trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, năm 2019, anh A Bâu vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Đắk Sao cho biết: "A Bâu là một nghệ nhân đa tài. Nhiều năm qua, anh luôn miệt mài cống hiến, chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng bằng cách tham gia đội chiêng, mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, làm nhạc cụ dân tộc. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp mở các lớp truyền dạy cồng chiêng và mời nghệ nhân A Bâu về giảng dạy".

Tùng Lâm