Vươn lên từ vùng đất đầy sỏi đá
Đắk Nông được mệnh danh là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hoà, đất đai màu mỡ. Tuy nhiên, một số vùng có điều kiện tự nhiên không được thuận lợi nhưng kinh tế vẫn phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao, đó là xã Nam Dong, huyện Chư Jút.
Người dân ở đây chia sẻ, nhìn như bãi đất bằng, những phần lớn ở mặt dưới toàn có đá, do vậy đá nhỏ thì gom lại với nhau con đá to, đá tảng thì cứ để nguyên, đất còn trống chỗ nào thì trồng ngô vào chỗ đó, còn chỗ nào bằng phẳng thì trồng lạc, cây đỗ. Hiện nay, bề mặt của đất bằng phẳng nhìn rất đẹp nhưng mà dưới lớp đất mỏng đầy sỏi đá. Có khi 1ha chỉ có 2,3 sào đất bằng, còn lại toàn đá lởm chởm.
Chị Lâm Thị Phổ, thôn 5, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết: ""ồi xưa mới vào đá nhiều lắm, chỗ nào cũng có đá, mình phải thuê máy múc, múc lên mới trồng được đậu, được màu, cà phê, nếu không thuê máy múc được thì đất cát sỏi đá chỉ trồng được cây ăn trái'".
Đó là những ký ức của những người có mặt ở Nam Dong, huyện Cư Jút từ cuối những năm 1980 từ các tỉnh phía Bắc đến đây lập nghiệp. Cái khó đầu tiên họ vấp phải là sỏi đá, phần lớn các nương rẫy ở Nam Dong toàn đá sỏi và đá tổ ong, thậm chí có thửa toàn đá tảng. Không chỉ thế, suốt 6 tháng mùa khô, vùng này được ví như chảo lửa, nước sinh hoạt đã khó nói gì đến nước phục vụ sản xuất.
Thời điểm đấy người dân đã kiên trì quét dọn những khoảng đất hẹp, đợi mưa xuống để trồng cây ngắn ngày, giải quyết nhu cầu lương thực trước mắt. Sau đó bà con bắt đầu cạy đá lên để có đất trồng trọt, gặp đá nhỏ thì gom vào, xếp gọn lại, gặp đá tảng phải thuê máy múc gạt, cứ thế, gom đá tới đâu, diện tích rộng ra tới đó, quá trình đó diễn ra từ năm này qua năm khác để rồi có được cánh đồng mênh mông tít tắp như ngày hôm nay.
Mặc dù nhiều sỏi đá, nhưng đất ở đây màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng cho năng suất cao, do đó kinh tế các gia đình từng bước thay đổi, cái đói, cái nghèo lùi xa, không ít gia đình trở nên giàu có. Điển hình vượt khó có ông Trương Văn Tài, ở xã Nam Dong hiện đang sở hữu 6 ha cao su.
Hiện nay, mủ tươi được bán với giá hơn 10.000/kg, mỗi năm ông Tài thu về khoảng 800 triệu đồng. Ông Tài cho biết: "Khai phá được những gốc cây rừng, đá to, dọn dẹp đá nhỏ lại cho sạch, tôi thực hiện mô hình trồng cây nông nghiệp ngắn ngày. Khi ổn định thì tôi mới trồng cây cao su, thời gian trồng cây cao su gia đình tôi thật sự rất vất vả, khi vừa trồng và chăm sóc cây cao su, vừa phải trồng cây màu thể tăng thêm thu nhập cho gia đình".
Đến nay, sau 7 năm chờ đợi, ông Tài đã có vườn cao su sạch đẹp trên bãi đất rộng, thoáng mát ngút tầm mắt. Để có mô hình sạch sẽ, hiện đại như thế đã có rất nhiều mồ hôi và nước mắt đổ xuống.
Nông dân trong thời kỳ đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế, xã Nam Dong đã hình thành được chuỗi sản xuất nông nghiệp, từng bước hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thời tiết ở Nam Dong khô hạn do vậy các hộ gia đình luôn chủ động làm đất gieo hạt để đón mưa về, có những gia đình sẵn sàng đầu tư ống dẫn nước ra đồng để tưới tiêu cho những cây rau, quả trái vụ.
Bà Hoàng Thị Hường, xã Nam Dong, huyện Cư Jút chia sẻ, ở đất Nam Dong này người dân phải chịu thương chịu khó, ở đâu cũng vậy mới làm ra được sản phẩm, nếu không chịu khó người dân sẽ không bao giờ xây dựng được cơ ngơi cho gia đình.
Diện mạo xã Nam Dong đang đổi thay từng ngày, cơ sở hạ tầng được đầu tư, phát triển, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,21%. Từ một xã khó khăn, Nam Dong đã về đích xã Nông thôn mới từ năm 2018. Hiện nay xã có hàng trăm nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố.
Xã Nam Dong cũng được nhận bằng khen vì đã có phong trào xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, cấp Trung ương, được Bộ Giao thông Vận tải tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào phát triển giao thông nông thôn. Kinh tế phát triển, văn hoá cũng được gìn giữ và phát huy, trên vùng đất sỏi đá năm nào đã vang lên tiếng hát chèo, tiếng đàn tính, hát then đậm đà bản sắc dân tộc.
Những cánh đồng xanh ngát, những làn điệu dân ca giàu bản sắc dân tộc là minh chứng cho ý chí, sức mạnh của người dân, là sự đãi ngộ ngọt ngào của mảnh đất tưởng chừng cằn cỗi. Về Nam Dong hôm nay, mọi người sẽ cảm nhận được tình đất, tình người thắm đượm, thấy được tinh thần hăng hái thi đua trong lao động sản xuất và ước mơ vào những điều tốt đẹp trong mỗi người dân.
Ông Tài cho biết thêm: "Về phát triển kinh tế thì tôi coi đây là quê hương thứ hai. Mong muốn của tôi là làm sao để kinh tế của người xã Nam Dong ngày càng phát triển, đường xá trường trạm rồi tất cả mô hình đều xanh sạch đẹp, xây dựng. Người dân nơi đây cảm thấy như đã được đổi đời, có những giấc mơ tuyệt đẹp và thành công, trong đó có sự lãnh đạo của đảng, chính quyền địa phương, đường lối sáng suốt của đảng vì đã có nhiều chương trình chính sách hỗ trợ cho bà con, để bà con tập trung phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, có cuộc sống ấm no hạnh phúc".
Bà Nguyễn Thị Là, xã Nam Dong chia sẻ: "Gia đình tôi từ ngoài Bắc vào đây làm kinh tế. Khi các con còn nhỏ, tôi chỉ lo nuôi các con ăn học, khi các con trưởng thành, tôi mới có dịp tham gia Câu lạc bộ văn nghệ đàn hát dân ca".
Những bản làng Tày, Nùng tại xã Nam Dong cũng lập đội văn nghệ hát then đàn tính, những đôi tay năm xưa bới đất, nhặt đá thì nay gẩy dây đàn rất thành thạo tạo ra giai điệu âm thanh quyến rũ, lúc trầm lúc bổng, khi trang nghiêm, lúc rộn ràng, khi thanh tao khi lâm ly thống thiết, cuốn hút người nghe. Bà con tự sắm đàn tính tự sưu tầm, thậm chí tự sáng tác lời then đó là những lời then giàu trữ tình, nhạc điệu, vừa là những lời khuyên răn, kinh nghiệm về đối nhân xử thế, đó là câu hát ca ngợi tình đất, tình người trên quê hương Nam Dong.
Bà Lục Thị Toan, xã Nam Dong cho biết: "Được hát, được đánh đàn để hát những bài hát ca ngợi về quê hương của mình, của dân tộc mình, tôi cảm thấy tự hào, tự tôn dân tộc lắm, rất tự hào về môn nghệ thuật đàn tính hát then của dân tộc tày Nùng các tỉnh phía Bắc mình đang được lưu truyền trên mảnh đất Tây Nguyên chúng ta".