Điệu trống gọi mùa Xuân
Giữa những triền núi đá nhấp nhô, trập trùng nơi Cao nguyên đá Hà Giang, có một lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Giáy mà mỗi năm chỉ diễn ra một lần duy nhất, đó là lễ hội múa trống. Tiếng trống dập dìu gọi mùa Xuân đến, tiếng trống vang xa xua đuổi những đen đủi, tà ma của năm cũ và mang đến những điều thiện lành, may mắn cho năm mới. Đó là ý nghĩa của lễ hội vốn đã tồn tại hàng trăm năm qua, như là lời ước nguyện của đồng bào Giáy khi mùa Xuân đến.
Sinh hoạt cộng đồng làng bản
Người Giáy gọi lễ hội múa trống là lồng trống, là một sinh hoạt cộng đồng của bản làng vùng đồng bào dân tộc. Đồng bào Giáy quan niệm, năm mới là lúc đất trời giao hòa, con người cùng chung nhịp đập với thiên nhiên, cho nên tiếng trống rộn ràng sẽ xua đuổi hết những điều xui xẻo, mang đến niềm vui, may mắn cho bản làng. Khi tổ chức lễ hội múa trống, đồng bào không câu nệ về hình thức, cũng không tổ chức quá long trọng, cầu kì, mà mọi thứ diễn ra hết sức gọn nhẹ, đơn giản, ấm cúng giữa những người bạn bè, anh em, họ hàng trong làng bản với nhau.
Lễ hội múa trống của người Giáy vừa mang yếu tố tâm linh, vừa là món ăn tinh thần phong phú và không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Giáy. Trải qua thời gian, múa trống vẫn được người dân nơi đây gìn giữ được nét nguyên bản bởi các bài múa của người xưa. Cùng với phong cảnh, núi non hữu tình, nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, múa trống sẽ góp phần đưa Tát Ngà trở thành điểm đến du lịch lý tưởng của du khách trong hành trình trải nghiệm tinh hoa văn hóa truyền thống.
Nói đến múa trống, ngay cả những già làng, trưởng bản ở Tát Ngà cũng không nhớ là có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, tại thôn Tát Ngà (xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) - nơi tập trung người Giáy đông nhất, từ rất lâu, người dân đã xây dựng hai ngôi miếu, đặt tên là miếu Ông và miếu Bà. Đây không chỉ là nơi để người dân đến thắp hương cầu xin những điều tốt lành, mà còn là nơi để treo hai chiếc trống đại. Cứ mỗi năm một lần, hai chiếc trống được hạ xuống vào đúng ngày mồng 1 Tết. Người Giáy quan niệm rằng, dù ông trời ngự ở trên cao, nhưng qua tiếng trống cũng có thể nghe được lời thỉnh cầu của muôn dân và sẽ ban mưa xuống cho mùa màng tốt tươi, trần gian ấm no, hạnh phúc.
Để chuẩn bị cho lễ hội múa trống, thông thường, từ cuối năm, trưởng thôn đã tập hợp dân làng cùng mọi người bàn bạc với thầy cúng để thu xếp cho lễ hội đón năm mới. Lễ vật được người Giáy chuẩn bị đa dạng, phong phú gồm có gà, bánh chưng, thịt treo, rượu, hương... là những sản vật địa phương, “cây nhà lá vườn” nhưng mang đậm dấu ấn của vùng cao. Đồng thời, thầy cúng – người hay chữ, hiểu nhiều, biết rộng trong bản được bà con trong bản yêu mến nhờ viết những câu đối Tết để treo trong miếu Bà.
Trong ngày lễ, trưởng bản làm nghi thức xin hạ trống, mỗi gia đình làm một mâm cơm canh, quây quần, tập trung tại đây và cùng nhau thắp hương, nhảy múa theo điệu trống để cầu xin đất trời cho mưa thuận, gió hòa; xin thần linh phù hộ cho gia đình, làng xóm được mạnh khỏe, bình an. Đến đúng hôm rằm tháng Giêng, cả làng lại tập trung tổ chức múa trống hết một đêm để các xã khác cùng tham gia giao lưu. Vào một ngày đẹp được mọi người cùng chọn, nếu không thì đúng tối 30 tháng Giêng, có một đội khiêng trống đến gõ trước từng nhà, hát bài hát cầu phúc cho gia đình.
Khi múa trống, đội múa sẽ chọn một cặp nam nữ đại diện cho người dân trong làng dùng chiếc dùi đánh vào trống thiêng. Trong đêm múa trống, sẽ có 7 cặp trai gái đại diện cho dân làng hát múa những làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền. Nét đặc biệt của múa trống là sự kết hợp hài hòa giữa các động tác của nam và nữ. Những chàng trai, cô gái người Giáy xúng xính trong bộ trang phục truyền thống múa vòng tròn quanh chiếc trống, sau đó lại múa từng đôi một. Những điệu múa lúc dịu dàng, nhẹ nhàng, lúc lại rộn rã, gấp gáp theo từng hồi trống. Các chàng trai thường gõ vào mặt trống, các cô gái thì gõ vào tang trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn nhằm cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, bình an sẽ đến với mọi người trong năm mới.
Bảo tồn lễ hội đặc sắc
Dù lễ hội múa trống trở thành món ăn tinh thần độc đáo và không thể thiếu của người Giáy, nhưng cho đến nay, lễ hội này đang đứng trước nguy cơ thất truyền và dần bị mai một. Ông Vi Văn Lầu, người cao tuổi ở thôn Tát Ngà cho biết, ở địa phương hiện giờ rất hiếm người biết sử dụng thành thạo trống cổ. Ông Lầu cũng tìm kiếm lớp người kế cận nhưng rất khó, bởi lớp trẻ hầu hết rời địa phương đi làm ăn xa, không mấy mặn mà với nghề truyền thống. Ông Lầu cũng thông tin, vài năm trước, ở thôn còn có vài bạn trẻ tham gia vào đội múa trống của làng, nhưng bây giờ thì vắng bóng vì các cháu đã đi làm ăn xa quê hương, chỉ dịp Tết mới trở về.
"Chúng tôi - những người cao tuổi còn sót lại đều rất buồn và lo lắng vì thế hệ thành thạo múa trống tuổi đã cao, không còn đồng hành với nghề được bao lâu nữa. Rất mong chính quyền địa phương sớm có những giải pháp khuyến khích lớp trẻ theo học để giữ lấy nghề, như vậy mới bảo tồn được sự độc đáo từ múa trống của đồng bào Giáy" - ông Vi Văn Lầu tha thiết đề nghị.
Hiểu được mong muốn đó, thời gian qua, với chủ trương phục dựng những lễ hội đã bị mai một, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây không ngừng thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dần tạo thành phong trào rộng rãi. Đặc biệt, huyện Mèo Vạc đang triển khai xây dựng thôn Tát Ngà trở thành thôn phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, mang đến cho địa phương một sức sống mới. Từ hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, sạch đẹp đến việc phục dựng văn hóa truyền thống được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tát Ngà là xã có 5 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn 17 thôn với trên 570 hộ dân, trong đó, dân tộc Giáy chiếm trên 32%. Anh Vi Văn Pảo, Trưởng thôn Tát Ngà chia sẻ: “Từ ngày xây dựng thôn trở thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng đã giúp người dân có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần. Từ những lợi thế sẵn có, mọi người trong thôn đang quyết tâm xây dựng thôn trở thành điểm thu hút khách du lịch. Đặc biệt, các thành viên trong Hội Nghệ nhân dân gian của xã luôn nhiệt tình tham gia gìn giữ và phát huy nét đẹp của lễ hội múa trống, không chỉ phục vụ du khách mà còn bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương”.
Được biết, Đội múa trống ở xã Tát Ngà hiện có trên 10 thành viên, thường đi biểu diễn phục vụ ở các dịp lễ, hội trong xã, huyện, tỉnh và lưu diễn ở một số tỉnh bạn. Đây chính là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời quảng bá về văn hóa, hình ảnh con người địa phương, cũng là nền tảng vững chắc để người dân trong xã xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và chung tay xây dựng nông thôn mới.