Văn hóa

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

Phương Thanh - Gió Pư 28/01/2024 - 08:05

Là huyện biên giới xa nhất của tỉnh Lai Châu, Mường Tè có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc rất ít người như: Cống, Mảng, La Hủ, Hà Nhì… Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Huyện Mường Tè có 14 xã, thị trấn, mỗi dân tộc trên địa bàn có bản sắc truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Mường Tè triển khai thực hiện thành công công tác xã hội hóa để xây dựng không gian văn hóa các dân tộc: Kinh, Thái, Hà Nhì, La Hủ… tại Khu vực hồ sinh thái thị trấn Mường Tè. Tại đây có trưng bày các vật dụng truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, trưng bày các sản phẩm đặc hữu của địa phương, sản phẩm OCOP, các món ăn ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc để nhân dân, du khách thưởng thức, trải nghiệm.

Nếu từng đến Mường Tè chắc chắn du khách không thể quên sự độc đáo trong tết Ngô của người Cống hay tết cổ truyền của người Hà Nhì, điệu múa xòe của người Thái đến trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi thượng nguồn sông Đà. Đặc biệt, cuối tháng 12/2023, huyện tổ chức thành công Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhiều hoạt động thú vị như: Diễu hành đường phố; thi văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao và các trò chơi dân gian...

398-202401271520211.png
Phụ nữ dân tộc Si La biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Mường Tè.

Tạo ấn tượng đậm nét trong chuỗi sự kiện này là màn diễu hành đường phố của 20 đoàn đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mỗi đoàn có từ 30 - 40 diễn viên trong trang phục truyền thống, đậm sắc màu dân tộc, được trang bị đạo cụ biểu diễn phong phú. Những nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân vừa hát múa, vừa biểu diễn tái hiện một số nghi thức lễ hội, trò chơi dân gian của các dân tộc. Đồng thời, thể hiện một số bài dân ca, dân vũ truyền thống, thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ. Lễ diễu hành đường phố diễn ra với những màn trình diễn đầy ấn tượng đã thổi bùng không khí sôi động trên các tuyến đường trung tâm của thị trấn Mường Tè. Lễ hội ẩm thực cũng hoành tráng không kém, thể hiện rõ sự đa sắc màu dân tộc cùng tính cố kết cộng đồng với hơn 500 mâm cơm được quần tụ tại Khu vực hồ sinh thái thị trấn Mường Tè.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giao cho các phòng, ban chuyên môn, cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi, hội thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; đầu tư nguồn lực khôi phục, lưu giữ những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, những năm gần đây, huyện tổ chức thành công Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch; người dân và du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp riêng có trong trang phục truyền thống của các dân tộc, thưởng thức chương trình văn nghệ được dàn dựng công phu; trải nghiệm không gian văn hoá các dân tộc. Đây là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh miền đất, con người, những nét đẹp văn hoá của các dân tộc trên địa bàn huyện tới đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động già làng, nghệ nhân vận động, khuyến khích thế hệ trẻ duy trì thói quen mặc trang phục truyền thống; sưu tầm, luyện tập, truyền dạy dân ca, dân vũ; phục dựng lễ hội truyền thống. Thành lập, duy trì các câu lạc bộ, đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn trong dịp lễ, tết, tổ chức các trò chơi dân gian độc đáo của dân tộc. Các lễ, hội đều được địa phương tổ chức bài bản, quy mô, nội dung phong phú với cả phần lễ và hội. Qua đó, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, cổ vũ, lượng khách du lịch tới Mường Tè ngày càng tăng.

‎Anh Mạ Lý Phạ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Hà Nhì xã Ka Lăng chia sẻ: “Đồng bào Hà Nhì có nhiều nét văn hóa đặc sắc từ trang phục đến các điệu múa, lễ hội... Trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì rất đẹp với màu sắc sặc sỡ. Điệu xòe còn gọi là “Ứ Già Nhi” độc đáo, khác biệt với các dân tộc khác. Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Hà Nhì xã Ka Lăng được thành lập từ tháng 12/2022 với 25 thành phần. Ngoài tích cực luyện tập, biểu diễn, giao lưu, chúng tôi thường xuyên vận động nhân dân trong xã bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là lưu giữ những nghi lễ, lễ hội truyền thống như: Tết Hồ Sự Chà, tết Mùa mưa, Lễ Cúng rừng; mặc trang phục dân tộc, lưu giữ làn điệu dân ca, điệu múa… góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách”.

‎Với bức tranh đa sắc màu trong văn hóa truyền thống của 10 dân tộc cùng nhiều giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng những nét đẹp văn hóa nơi thượng nguồn sông Đà sẽ được bảo tồn, giữ gìn và phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phương Thanh - Gió Pư