Đời sống

Xứ Thanh chuẩn bị đón xuân

Thanh Huệ 28/01/2024 - 08:04

Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn và du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc trên khắp các địa phương trong tỉnh.

Tại Thành phố Thanh Hóa, đã thành thông lệ, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, thành phố Thanh Hoá lại chuẩn bị rất kỹ lưỡng các chương trình văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao tại các điểm vui chơi của thành phố. Điểm nhấn trong dịp Tết Giáp Thìn đó là các hoạt động văn hóa tại Công viên Hội An từ ngày 4 đến 13/2 (tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 4 Tết Giáp Thìn). Dọc các lối đi trong công viên cũng được bài trí cảnh quan với phong cách mang đậm văn hoá của những khu làng cổ, đô thị cổ. Người dân và du khách đến đây như được lạc vào không gian Tết của những thế kỷ trước, tạo cho du khách một cảm giác rất thân thuộc, gần gũi và đầm ấm.

h11.png
Công viên Hội An sẽ có điểm check-in tạo hình linh vật năm Giáp Thìn với hình tượng con rồng do các nghệ nhân của phường Tân Sơn và các đơn vị phối hợp thực hiện.

Năm nay, vào ngày mùng 4 Tết, tại Khu Văn hóa Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ hội trình diễn thư pháp, vẽ phác hoạ chân dung, tập làm đồ gốm, làm đèn lồng, nặn tò he… Đây là hoạt động đã trở thành truyền thống được thành phố Thanh Hóa duy trì tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Song song với đó là trưng bày ảnh các hoạt động, sự kiện kinh tế - chính trị nổi bật năm 2023 của thành phố Thanh Hóa và của tỉnh như trưng bày các sản phẩm sinh vật cảnh và mặt hàng Tết, đặc sản OCOP…

Tại làng cổ Đông Sơn, Tết Giáp Thìn năm nay có một chương trình nghệ thuật đặc sắc, đó là “Tết xưa Làng cổ”, dự kiến tổ chức từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão (ngày 4/2) đến ngày mồng 6 Tết (ngày 15/2). Chương trình tái hiện không gian Tết xưa, chợ Tết quê, ẩm thực Tết xưa, tổ chức gói bánh chưng, các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian... Tại Thái miếu nhà Hậu Lê sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc như: Tế lễ Khai Xuân; trò chơi kéo chữ: Đồng xuân Thưởng lạc; trò chơi kéo chữ: Thiên hạ thái bình; Múa Trò Xuân Phả; vật cù; cờ thẻ; thư pháp; trưng bày và bán đặc sản địa phương; tổ chức các trò chơi dân gian: cờ tướng, kéo co... Thời gian từ ngày 18 đến 24/2 (tức từ ngày 9 đến 15 tháng Giêng).

Hội diễn Vovinam dự kiến được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết tại tượng đài Lê Lợi, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm chào mừng sự kiện Vovinam - Việt võ đạo chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tại các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Quan Hóa, nơi có nhiều đồng bào người dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Mông sinh sống, bên cạnh việc tổ chức cho đồng bào vui liên hoan mừng xuân mới, chính quyền các địa phương còn chuẩn bị tổ chức các trò chơi ném pao, chơi quay, múa khèn; khua luống… góp phần làm cho không khí tết càng thêm rộn ràng, mang lại niềm tin về một mùa xuân mới. Đây là những trò chơi dân gian lâu đời, có sức sống mãnh liệt được bao thế hệ người dân ở các vùng quê đang gìn giữ, truyền lại và sẽ mãi mãi trường tồn.

h33.png
Vovinam - Việt võ đạo chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ được biểu diễn trong dịp Tết Giáp Thìn tại thành phố Thanh Hoá

Huyện Triệu Sơn là một trong các huyện có diện tích trồng hoa đào lớn của tỉnh và nơi đây cũng là vùng đất của những nghệ nhân trồng đào với kỹ thuật lâu năm và điêu luyện. Hiện nay, huyện Triệu Sơn có khoảng 150 ha trồng đào, tập trung ở các xã: Hợp Lý, Vân Sơn, Triệu Thành, Thọ Tân, Thọ Dân... Những năm gần đây, người dân không chỉ trồng đào phai truyền thống, mà nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng đào thế, đào huyền, đào phai kép, cho thu nhập 1 ha từ 500 - 1 tỷ đồng. Để quảng bá và xây dựng thương hiệu cây đào của địa phương, huyện Triệu Sơn sẽ tổ chức Hội chợ hoa đào năm 2024, từ ngày 25/1 đến 5/2/2024 (tức ngày 15 - 26/12 âm lịch). Hội chợ hoa đào huyện Triệu Sơn được tổ chức tại mặt bằng quy hoạch khu dân cư Nam Cống chéo, Đường tỉnh 514, thị trấn Triệu Sơn, với khoảng 70 gian hàng, thu hút hơn 2.000 sản phẩm tham gia.

Ông Lê Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: "Đây là năm đầu tiên huyện Triệu Sơn tổ chức hội chợ để giới thiệu cây đào cảnh, đào nghệ thuật đến đông đảo người dân chơi đào trong tỉnh. Đây cũng là tiền đề để giới thiệu và phát triển thương hiệu đào nghệ thuật, đào cảnh của huyện Triệu Sơn trong những năm tiếp theo. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác quảng bá thông qua các chương trình, các hội chợ. Tạo cơ hội cho các nhà vườn, các nghệ nhân gặp gỡ, liên kết và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau, tạo nên sự phát triển bền vững gắn với du lịch phát triển nông nghiệp, nông thôn".

h44.png
Vườn đào thế xã Thọ Tân (huyện Triệu Sơn) đang được chăm sóc cẩn thận chuẩn bị tham gia hội chợ Tết

Với sự đa dạng các hoạt động truyền thống tại các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá sẽ góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn và du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mỗi một sản vật, một trò chơi, một tác phẩm nghệ thuật đều là kết tinh giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc, được gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau mỗi dịp xuân về.

Thanh Huệ