Giữ gìn những nhà sàn Thái cổ giữa đại ngàn
Là một trong chín bản của xã miền núi Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An), Na Ngân cách trung tâm xã hơn 20km và là bản “vùng trong”, biệt lập giữa đại ngàn Pù Huống. Hơn 70 năm qua, người Thái đã đến đây định cư, lập bản, tạo nên một tiểu vùng văn hóa mang đậm sắc thái riêng có của cộng đồng dân tộc Thái. Điều đặc biệt và hấp dẫn khách phương xa khi đặt chân đến Na Ngân là được chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn với nhiều nét văn hóa Thái cổ.
Ngược suối Nậm Kho, Nậm Ngân trong đại ngàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An), dễ dàng bắt gặp những nếp nhà sàn của đồng bào Thái ở các bản Xốp Kho, Canh, Na Kho, Na Ngân quần tụ dưới chân núi, soi bóng bên suối giữa khung cảnh yên bình.
Na Ngân là bản xa nhất của xã miền núi Nga My. Đồng bào Thái đã đến đây sinh sống, lập bản từ những năm 1950. Hiện nay, bản có hơn 150 hộ, hơn 750 nhân khẩu. Nếp nhà sàn đã hiện diện tại Na Ngân từ buổi đầu lập bản, gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình, dòng tộc, với văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Thái.
Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ: Nga My là một xã vùng trong, cách trung tâm huyện gần 70km. Toàn xã có hơn 1.110 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu, thuộc các dân tộc Ơ Đu, Khơ Mú, Thái và Kinh, trong đó dân tộc Thái chiếm gần 90% dân số. Dân cư phân bố thành hai vùng: Vùng ngoài có 5 bản, dọc theo Quốc lộ 48C, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng cơ bản thuận lợi và vùng trong có 4 bản ở trong khu vực vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, dọc theo hai con suối Nậm Ngân, Nậm Kho. Cả 9 bản đều có nhà sàn của đồng bào Thái. Đặc biệt, một số bản như Na Ngân, Na Kho, Đàng, Pột, người dân vẫn giữ được được những ngôi nhà sàn có nét đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của dân tộc Thái.
Mái nhà sàn lợp bằng gỗ Pơ mu trong bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN
Theo bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My, nét đặc trưng của ngôi nhà sàn là có cấu trúc gồm gian trên và gian dưới, tùy theo điều kiện kinh tế và gia đình mà gia chủ sẽ làm nhà sàn thành 3 hoặc 4 gian, có khu bếp riêng, phòng khách, phòng ngủ. Tùy vào điều kiện của gia đình, ngôi nhà sàn sẽ lợp bằng ngói, cỏ tranh hoặc bằng gỗ pơ mu. Vào những dịp lễ, Tết hoặc các sự kiện mừng nhà mới, trên ngôi nhà sàn sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ như uống rượu cần, múa, hát với sự tham gia của người dân trong bản.
Vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện tích trải rộng, với hơn 120 bản của 13 xã thuộc 5 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Tại địa bàn xã Nga My, các bản Na Kho, Na Ngân, Xốp Kho, Canh nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn này. Hệ thống đường giao thông đi vào các bản rất khó khăn, bởi đường đất, lắm dốc cao, vực sâu, quanh co, có nhiều lèn đá của dãy núi Pù Hiêng án ngữ. Tuy nhiên, với lịch sử hình thành lâu đời, trải qua nhiều thế hệ, cộng đồng dân tộc Thái ở các bản đã tạo lập nên những tiểu vùng văn hóa mang những sắc thái độc đáo nơi đại ngàn Pù Huống.
Anh Kha Văn Luận (bản Na Ngân, xã Nga My) cho biết: Bản Na Ngân đặc thù vùng sâu, vùng xa, cư dân sinh sống là đồng bào Thái, nhà sàn là sự lựa chọn của người dân khi dựng nhà, lập nghiệp. Đó là truyền thống của cha ông từ xưa, được tiếp nối, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nét độc đáo, đặc sắc của những ngôi nhà sàn nơi đây là có chung một cấu trúc, hình dáng để phù hợp với công năng sử dụng, văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là nhiều ngôi nhà hiện nay vẫn giữ được kiến trúc ban đầu từ khi cất dựng, có mái lợp bằng gỗ pơ mu.
Bản Na Ngân hiện có nhiều ngôi nhà sàn có từ 40 đến 70 năm tuổi, đặc biệt có nhiều ngôi nhà sàn mái lợp bằng gỗ pơ mu. Theo người dân nơi đây, những ngôi nhà sàn này thuộc nhóm những ngôi nhà sàn cổ, được cất dựng đầu tiên trong bản. Qua hàng chục năm sử dụng, mái ngói gỗ pơ mu đã mang một màu sắc pha trộn giữ đen và xám. Tuy nhiên, mái gỗ pơ mu vẫn không bị cong vênh, mối mọt, thấm nước, không bị ăn mòn bởi tác động của yếu tố môi trường và có khả năng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt. Những tấm gỗ pơ mu người dân sử dụng để lợp mái nhà sàn có kích thước khác nhau và chia làm hai loại chữ nhật và hình vảy cá. Không chỉ được lợp trên mái của những gian nhà sàn chính, gỗ pơ mu còn được người dân sử dụng để lợp trên gian bếp, chế tác thành máng để gom, dẫn nước mưa chảy về phía hiên nhà.
Việc sở hữu được ngôi nhà sàn có mái lợp bằng gỗ pơ mu mang những nét nguyên bản từ khi cất dựng đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Ông Vi Văn Tương, người sở hữu ngôi nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu chia sẻ, từ xa xưa, người dân ở trong bản đã có truyền thống dùng gỗ pơ mu để lợp mái nhà sàn. Những ngôi nhà sàn lợp mái gỗ pơ mu có đặc điểm mùa Hè mát, mùa Đông ấm.
Một đặc điểm khá “bắt mắt” tại những ngôi nhà sàn trong bản Na Ngân là hệ thống cột đỡ rất to, tạo nên một chỉnh thế chắc chắn, vững chãi cho ngôi nhà. Ngoài ra, hệ thống hoành, xà, kèo, giằng, mộng... được chạm khắc những họa tiết, hoa văn trang trí chim muông, cây cỏ, con vật mang giá trị thẩm mỹ, văn hóa rất cao. Dù đã trải qua hàng chục năm nhưng màu sắc các họa tiết, hoa văn này vẫn tươi mới.
Theo ông Vi Văn Tương, những họa tiết, hoa văn đó chủ nhà phải nhờ những người thợ có tay nghề cao trong bản chạm khắc, đục trổ để trang trí cho ngôi nhà đẹp hơn. Đồng thời, gia chủ gửi gắm vào đó những ước mong về một cuộc sống bình yên, đầm ấm, hạnh phúc, dồi dào sức khỏe đối với các thế hệ sinh sống trong căn nhà.
Đối với người dân bản Na Ngân, ngôi nhà sàn truyền thống mang những nét Thái cổ mà thế hệ cha ông cất dựng đã trở thành kiểu mẫu, để những gia đình làm nhà sàn sau này học hỏi về cấu trúc, kiến trúc. Do đó, các ngôi nhà sàn trong bản dù thời gian cất dựng cách nhau khá xa nhưng vẫn có những điểm giống nhau về hình dáng, kiến trúc, trang trí lan can, không gian trong nhà. Tất cả là một chỉnh thể thống nhất, chứa đựng những triết lý nhân sinh và hài hòa, phù hợp trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Thái nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho hay: Cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến các phong trào văn hóa, thể thao, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn nói chung, cộng đồng dân tộc Thái nói riêng. Đối với những đặc trưng của ngôi nhà sàn cổ, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tại các bản làng giữ gìn những ngôi nhà sàn cổ, giữ được các nét văn hóa, phong tục, tập quán xưa.
Các huyện miền Tây Nghệ An như Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong... đã xây dựng các đề án để bảo tồn không gian văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Thời gian tới, Ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ tiến hành rà soát, phân loại, kiểm kê, hệ thống các ngôi nhà sàn cổ, nhà sàn truyền thống để từ đó xếp hạng di tích lịch sử theo Luật Di sản. Đồng thời, ngành đề nghị ngành Xây dựng và Hội Kiến trúc số hóa kiến trúc nhà sàn nhằm phục dựng lại các ngôi nhà sàn cổ phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc.