Làng nghề làm nón ngựa vào vụ tết
Những ngày này, nhiều hộ dân ở làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định ngày đêm làm nón ngựa để kịp xuất đi các tỉnh bán trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Làng nghề gần 400 năm tuổi
Làng nón ngựa Phú Gia (thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, H.Phù Cát) là niềm tự hào của người Bình Định. Làng nghề này đã có cách đây gần 400 năm và cũng là một trong những làng nghề lâu đời nhất Bình Định.
Sở dĩ gọi tên nón ngựa là vì chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, những nghệ nhân ở đây làm ra chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua quan đội khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.
Các họa tiết thêu trên nón ngựa cũng khác nhau, tương ứng với chức vụ, phẩm hàm của từng người đội. Sau này, trước những năm 1945, hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định.
Tranh thủ đan những chiếc nón cuối cùng để kịp giao cho tiểu thương ở Huế bán tết, bà Phù Thị Bích Phong (ở làng nghề Phú Gia) vừa làm vừa giới thiệu: "Nón ngựa Phú Gia được kết cấu rất đặc biệt, vô cùng bền chắc. Nón được kết thành 10 lớp, nguyên liệu làm nón là lá kè mọc tự nhiên trong rừng núi Bình Định, ống giang, rễ dứa. Lá kè làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết, rễ dứa phải là loại rễ đã nằm trong lòng đất 2 - 3 năm, có độ bền chắc, đàn hồi tốt".
Nón ngựa Phú Gia được làm thủ công với nhiều công đoạn công phu, mỗi công đoạn lại yêu cầu cách thức khác nhau. Vì thế, khi làm nón phải đặc biệt tỉ mỉ, chỉ cần một công đoạn làm không chuẩn thì sẽ hỏng cả chiếc nón. Còn khi làm tốt, chiếc nón sẽ có độ bền sử dụng 150 - 200 năm.
Bà Huỳnh Thị Hạnh (65 tuổi, ở làng nghề Phú Gia) dẫn chứng: "Có nhiều chiếc nón ngựa của 200 năm trước vẫn còn được lưu giữ tại thôn Phú Gia. Mỗi thế hệ gia đình làm nghề chằm nón ở Phú Gia như gia đình cụ Lan đều giữ lại ít nhất 1 cặp nón ngựa (gồm nón nam và nón nữ) để làm kỷ vật".
Giữ hồn cho làng
Những ngày gần tết cũng là thời gian những người làm nón ngựa ở làng nghề Phú Gia miệt mài với công việc. Phần lớn nón ngựa được bán ra Huế, vì theo người dân Phú Gia, ngày tết các du khách đến Huế rất thích dùng nón chụp ảnh nên dịp này rất dễ bán.
Cầm chiếc nón ngựa trên tay, bà Hạnh giới thiệu, có đến 10 công đoạn làm ra nón ngựa, từ tạo sườn cho đến thêu thuyền, kết lá… Hoa văn trên nón ngựa đa số là các hình ảnh mang đậm bản sắc người Việt như: đám mây, long - ly - quy - phụng, hoa sen, bầu rượu…
"Để làm xong một cái nón phải mất hơn 1 ngày, đó là với những người làm nghề hàng chục năm như tôi. Còn đối với người ít làm, chưa quen tay thì phải 3 - 4 ngày, có khi cả tuần", bà Hạnh nói thêm.
Kỳ công là vậy, nhưng mỗi chiếc nón bán ra chỉ với giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng. Trừ hết chi phí thì mỗi ngày người dân chỉ kiếm được chừng hơn 100.000 đồng khi làm nón ngựa. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là đầu ra, chỉ có những dịp lễ lớn thì nón mới dễ bán, người dân mới có thể ngày đêm làm nón.
Bà Bích Phong cho biết thêm: "Thật ra dịp gần tết mới có thể làm nhiều vậy, chứ những ngày bình thường ít khi làm lắm, vì đầu ra đang gặp nhiều khó khăn".
Cả bà Phong và bà Hạnh đều thừa nhận do đầu ra khó khăn nên ngày càng ít người làm nón. Bây giờ, phần lớn những người làm nón ngựa trong làng là những người đã lớn tuổi. Việc gìn giữ làng nghề truyền thống cũng là vấn đề khó. Tuy vậy, khi có người đặt, những người phụ nữ ở làng nghề Phú Gia vẫn miệt mài làm nón. Với họ, làm nón không chỉ để tăng thêm thu nhập, mà còn là cách họ giữ cái nghề truyền thống này.
Hiện làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.
Nhưng sau mỗi mùa tết, số hộ làm nón ngựa lại ngày càng vơi đi. Đây chính là sự trăn trở của những người lớn tuổi trong làng Phú Gia.