Đời sống xã hội

Chung tay xóa bỏ các hủ tục lạc hậu

ĐÌNH HÒA 27/01/2024 - 06:53

Bình Thuận là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống với 35 dân tộc anh em, trong đó có 34 đồng bào dân tộc thiểu số, với 104.066 khẩu/25.665 hộ, chiếm 8,4% dân số của tỉnh.

Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các hội thi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp nâng cao nhận thức người dân, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Ngoài những nét văn hóa riêng, đồng bào nơi đây còn lưu giữ một số hủ tục, tập tục lạc hậu. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Nhà nước trong những năm gần đây, nhiều nếp nghĩ, cách làm của bà con được thay đổi, trong đó nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu được xóa bỏ làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.

Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tồn tại cùng với đó là những hủ tục lạc hậu như: Tảo hôn, cúng bái, bói toán… Khi ốm đau bệnh tật thay vì đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa họ lại đến những địa chỉ tìm thầy cúng. Hay tục làm lễ cúng bái rườm rà thường xuyên của một số đồng bào dân tộc đã làm tăng thêm tình trạng mê tín dị đoan và nhiều vấn đề khác.

z5079150027754_8d09debe4e2ad9393ec65a4b41c55dc3.jpg
Ngày hội văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh giúp nâng cao nhận thức của người dân.

Tiên phong trong việc hỗ trợ tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong trong đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh ta là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Toàn tỉnh hiện có hơn 350 nhân nhân viên y tế thôn, gần 2.000 cộng tác viên dân số thực hiện hoạt động hỗ trợ công tác y tế và dân số. Số lượng đội ngũ nhân lực làm việc tại trạm y tế cơ bản đảm bảo theo quy định...

Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cùng với lực lượng cộng tác viên đã lồng ghép tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và kiên quyết loại bỏ những tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín dị đoan, lễ cưới, lễ hội kéo dài nhiều ngày trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đồng thời, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí...

z5079149948141_5b75d80d2a9430deaea1bbf80da9ed70.jpg
Đầu tư hệ thống giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhằm nâng cao trình độ dân trí, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã triển khai phát huy vai trò gương mẫu của những cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín… để người dân thực hiện theo. Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi tập quán không phù hợp.

Đơn cử việc tổ chức tang trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ. Đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni rút gọn chỉ còn 1 ngày đêm (trước kia phải để 1 tuần). Đối với người Chăm Bàlamôn khi tổ chức thiêu không để quá 4 ngày (trước kia từ 7 – 10 ngày). Đối với đám tang của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Raglay, K’ho, Chơ ro đã có nhiều tiết giảm chi phí và thời gian… Nhiều nghi lễ, hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số đã dần được xóa bỏ. Nhờ vậy, đời sống đồng bào dần thay đổi, sau những vụ lúa, bắp, bà con đã biết tiết kiệm, ai cũng sợ đói, sợ nghèo, sợ trẻ thất học nên không dám sinh nhiều con, biết đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh…

dsc_4320.jpg
Đời sống đồng bào dần thay đổi biết đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó duy trì và nhân rộng thêm các mô hình xã giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao trình độ dân trí, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu.

ĐÌNH HÒA