Phát triển - Hội nhập

Các làng nghề hối hả vào vụ Tết

L.An 26/01/2024 - 05:09

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các làng nghề truyền thống và cơ sở sản xuất thực phẩm tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình lại càng tất bật hơn với nhiều đơn hàng phục vụ Tết. Nhiều cơ sở còn thuê thêm nhân công thời vụ, tăng cường máy móc, giờ làm để kịp giao hàng cho khách.

Để kịp thời phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, Hợp tác xã (HTX) Làng nghề bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh) đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng thêm nhân công lao động vào các khung giờ khác nhau, kịp thời cung ứng đầy đủ các mặt hàng trong dịp Tết. Đây là thời điểm mà HTX tất bật nhất với vụ sản xuất bánh tráng lớn nhất trong năm.
Bà Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX cho biết, bước vào vụ Tết, HTX huy động trên 100 lao động để làm cho kịp các đơn hàng. Những ngày này, lao động của HTX chia ca, làm việc từ sáng sớm và kết thúc muộn hơn so với thường lệ. Theo bà Tú, hiện 20 lò bánh (20 máy) của HTX đang hoạt động hết công suất. Trung bình mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 5 tấn gạo, sản xuất hàng trăm nghìn chiếc bánh với đầy đủ chủng loại, như: Bánh mè đen, mè vàng, bánh mè xát, bánh cuốn rau và bánh đa nem các loại. Tuy sản xuất với số lượng nhiều hơn ngày thường, song HTX luôn chú trọng đặt chất lượng sản phẩm lên trên hết.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Ngô Thanh Bình cho biết, nghề làm bánh tráng ở Tân An đã tồn tại hơn trăm năm nay. Hiện, làng nghề có gần 400 hộ sản xuất bánh tráng. Các sản phẩm bánh tráng của Tân An đã được công nhận sản phẩm OCOP 3, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Cơ sở sản xuất miến gạo Đông Dương (xã Quảng Phương) tăng lượng sản xuất để phục vụ nhu cầu khách hàng vào dịp Tết.
Cơ sở sản xuất miến gạo Đông Dương (xã Quảng Phương) tăng lượng sản xuất để phục vụ nhu cầu khách hàng vào dịp Tết.
Những ngày này, cơ sở sản xuất miến gạo Đông Dương (xã Quảng Phương) cũng huy động tối đa nhân lực, máy móc để kịp giao các đơn hàng cuối năm. Ông Lê Phúc Đông, chủ cơ sở cho biết, những ngày giáp Tết Nguyên đán, lượng đơn đặt hàng nhiều hơn hẳn so với những ngày bình thường, vì vậy, ngoài tranh thủ thời tiết nắng ráo để phơi miến, cơ sở của ông còn tuyển thêm lao động thời vụ, tăng cường thêm giờ làm để kịp tiến độ giao hàng cho các thương lái đã đặt mua từ trước.
Theo ông Đông, bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất được khoảng 1,5 tấn sản phẩm. Vào các dịp lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao, nên số lượng sản xuất miến cũng được cơ sở tăng lên gấp 2 lần so với ngày thường. Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, tận dụng thời tiết nắng đẹp, cơ sở miến gạo Đông Dương đã tăng số lượng sản xuất, bình quân khoảng gần 3 tạ gạo/ngày.
Còn tại cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Thủy Nhị (xã Quảng Phú), không khí cũng tấp nập, rộn ràng không kém. Những chai nước mắm thơm ngon, đậm đà hương vị, đang được cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở cho biết, nước mắm ở đây phần lớn được sản xuất từ nguồn cá cơm tươi, theo phương pháp thủ công truyền thống. Nước mắm Nhị Thủy hiện đã được công nhận sản phẩm OCOP 3. Mỗi năm, cơ sở thu mua hơn 30 tấn cá cơm để sản xuất nước mắm, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, cơ sở thường bán gấp đôi, gấp ba lượng hàng so với ngày thường.
Hiện, nhiều làng nghề và cơ sở sản xuất nghề truyền thống khác trên địa bàn huyện Quảng Trạch cũng đang hối hả vào vụ Tết, qua đó góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

L.An