Già làng Khun Phan- “Điểm tựa” của đồng bào Khơ me ở Tầm Phô
Từ lâu, già làng Khun Phan đã trở thành “điểm tựa” của đồng bào Khơ me ở ấp Tầm Phô, (xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) khi mỗi lời nói, hàng động của ông đều trở thành thước đo chuẩn mực để mọi người làm theo. Già làng Khun Phan cũng là tấm gương về phát triển kinh tế gia đình khi nhanh nhạy bắt nhịp với cây, con giống mới, áp dụng hoa học kĩ thuật để tăng năng suất cây trồng vật nuôi, cải thiện đời sống.
Ấp Tầm Phô có 216 hộ/938 khẩu với hơn 90% là người đồng bào dân tộc Khơ me. Người dân ấp Tầm Phô phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp như trồng mía, sắn. Xuất phát điểm dân trí, kinh tế thấp, đời sống của nhân dân ở Tầm Phô từng gặp rất nhiều khó khăn bởi vậy một trong những nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Kà Tum (BĐBP Tây Ninh) đó là cùng địa phương củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế. Việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với người dân ở Tầm Phô không dễ dàng nhất là khi để thực sự đi vào cuộc sống.
Thiếu tá Lê Đình Thảo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kà Tum cho biết: “Khi Đồn Biên phòng Kà Tum muốn tuyên truyền, vận động người dân thì một trong những phương pháp được áp dụng mang lại hiệu quả đó là thông qua già làng, người có uy tín trong ấp. Già làng Khun Phan với lối sống mẫu mực, được mọi người trong ấp kính trọng, tin tưởng, bởi vậy chúng tôi thường thông qua già mỗi khi cần truyền tải nội dung gì đó đến với người dân. Những năm qua, già làng Khu Phan trở thành “cánh tay nối dài, đắc lực” giúp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kà Tum”.
Thực ra, già làng Khun Phan uy tín với người dân trong ấp không chỉ vì nói hay, sống gương mẫu mà còn là điển hình về phát triển kinh tế gia đình. Gia đình già Khun Phan có gần 4ha đất nông nghiệp. Không như một số gia đình vì khó khăn đã bán luôn cả “sinh kế “ của gia đình để giải quyết nhu cầu trước mắt để rồi rơi vào cảnh làm thuê trên chính mảnh đất từng là của mình. Với diện tích đất của gia đình, già Khun Phan phần để trồng mía, phần trồng sắn và áp dụng kĩ thuật mới, phân bón để tăng năng suất nhờ đó mà có thu nhập tốt hơn. Con trai của già làng Khun Phan cũng theo gương cha tập trung vào làm ăn trên phần đất do cha mẹ để lại. Đã 75 tuổi nhưng già làng Khun Phan vẫn phụ giúp gia đình con trai chăm sóc ruộng mía khiến mọi người rất nể phục. Tấm gương về phát triển kinh tế gia đình già làng Khun Phan trở thành hình mẫu cho nhiều gia đình khác ở Tầm Phô.
Những năm trở lại đây, UBND huyện Tân Châu đa triển khai nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có ấp Tầm Phô), góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ởcác lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và đặc biệt là ý chí vươn lên của người dân, cuộc sống mới của bà con dân tộc Khơ me ở ấp Tầm Phô đã từng bước chuyển biến tích cực. Đến nay, cả ấp chỉ còn 9 hộ cận nghèo, không có hộ nghèo. Ấp Tầm Phô dần khoác lên mình một diện mạo mới khi đời sống kinh tế, tinh thần của người dân khá lên từng ngày.
Ấp Tầm Phô có 2,9km đường biên giới, tiếp giáp với phum Tà Noòng Lếch, phum Tà Noòng Kớt và phum Tha Lôốk (xã Chan Mul, huyện Mê Mốt, tỉnh T’Bông Kh’Mun, Campuchia). Là ấp giáp biên, vậy nên vấn đề chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn được quan tâm hàng đầu. Thời gian qua, chủ quyền lãnh thổ luôn được giữ vững, trong ấp không có trộm cắp, đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Đó là kết quả của việc triển khai Phong trào "Toàn dân tham gia bảo về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" theo tinh thần Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9 tháng 1 năm 2015. Già làng Khun Phan tuy tuổi đã cao nhưng vẫn dành nhiều thời gian nghiên cứu để từ đó “nói cho bà con hiểu cần tích cực cùng BĐBP tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc; gìn giữ an ninh trật tự trong ấp, chủ động báo cho BĐBP những thông tin về an ninh, trật tự để kịp thời xử lý các vụ việc”- già làng Khun Phan chia sẻ.
Già làng Khun Phan cũng rất quan tâm đến việc học hành của trẻ em trong ấp. Trẻ em đến tuổi cần phải tới trường, gia đình khó khăn vẫn phải cố gắng cho con em học tập. Vậy nên khi Đồn Biên phòng Kà Tum triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng”, hỗ trợ cho học sinh tiền hàng tháng già Khun Phan mừng lắm vì biết rằng nhiều trẻ em có thêm cơ hội, động lực để tới trường. Già làng Khun Phan đã gợi ý cho những người lính Biên phòng nhận cháu Chăn Đi và Danh Đa làm "con nuôi đồn biên phòng". Thực ra, gia đình của Danh Đa và Chăn Đi đều biết rằng đây là cơ hội để con mình có điều kiện học tập, sinh sống tốt hơn, thế nhưng nhưng vẫn phân vân lắm vì không nỡ xa con, cháu. Già Khun Phan đã tới từng nhà, phân tích “Về ở với các chú Biên phòng sẽ không còn phải lo cái ăn, cái mặc và đặc biệt, các cháu sẽ có lối sống nền nếp, nhất định sẽ tốt cho hai đứa”. 4 năm trôi qua, đúng như lời của già làng Khun Phan nói, Danh Đa, Chăn Đi trưởng thành hơn rất nhiều từ lời ăn, tiếng nói đến suy nghĩ nhờ sự dìu dắt của những người cha nuôi Biên phòng.
Lời nói đi đôi với việc làm và lời nói luôn được minh chứng bằng kết quả thực tế- những điều trên đã khiến già làng Khun Phan ngày càng có uy tín đối với người dân ở Tầm Phô.