Gương sáng

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số

Hương Giang 25/01/2024 - 16:10

Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ đặc trưng riêng của mình. Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tạo sự đa dạng, phong phú cho nền văn hóa Việt Nam.

Vĩnh Phúc có bề dày truyền thống văn hóa, gồm 41 dân tộc cùng sinh sống với tổng số hơn 55.000 người, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày…, sống đan xen, rải rác ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng.

Hiện nay, tỷ lệ đồng bào DTTS biết và thường xuyên sử dụng tiếng nói của dân tộc mình trong giao tiếp chiếm hơn 60%; biết viết và thông thạo chữ viết của dân tộc mình chiếm khoảng 1%. Hầu hết những người còn sử dụng và lưu truyền tiếng nói, chữ viết của dân tộc đều đã cao tuổi.

Trưởng thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo Trần Thị Gái cho biết: “Thôn Đồng Pheo có 100% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Hiện nay, thế hệ trẻ hầu như không được truyền dạy ngôn ngữ mẹ đẻ; một số người lo phát triển kinh tế nên không còn mặn mà với việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì thế, tiếng nói, chữ viết của dân tộc đang dần bị mai một. Hiện, chỉ còn vài người cao tuổi thông thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc Sán Dìu”.

999_z5075409773580_156e11b6f831b47c2afb59082e59c7ff.jpg
Các em nhỏ dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô được truyền dạy tiếng nói và làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình.

Nhận thức rõ việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các DTTS là việc làm quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, UBND xã Yên Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; khuyến khích những người cao tuổi, có uy tín am hiểu chữ viết cổ đứng ra tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, trực tiếp truyền dạy tiếng nói, chữ viết, tạo sự đồng lòng trong nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Yên Dương Trương Đức Thọ cho biết: “Bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới, xã đặc biệt chú trọng thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phối hợp cùng Ban công tác mặt trận thôn vận động những người cao tuổi thành lập, mở rộng các mô hình câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô, mở các lớp truyền dạy tiếng Sán Dìu cho thế hệ trẻ.

Đến nay, toàn xã có 3 CLB hát Soọng cô và 2 lớp học chữ viết, tiếng nói dân tộc Sán Dìu. Các lớp học được duy trì sinh hoạt hằng tháng, thu hút đông đảo người dân ủng hộ, tham gia, nhất là thế hệ trẻ”.

998_z5075419235304_b3d2e86fe81773474117a3cd6cfd46f7.jpg
Câu lạc bộ truyền dạy tiếng nói, chữ viết, điệu hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô thu hút nhiều thành viên tham gia.

Tiếng nói, chữ viết không chỉ là phương thức giao tiếp đơn thuần mà còn liên quan đến việc thực hiện các nghi lễ, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS như lễ cúng mụ, lễ cấp sắc, tang ma… Chính vì vậy, để không làm mai một bản sắc dân tộc, nhiều người có uy tín, già làng, người cao tuổi đã tích cực tổ chức các lớp học tiếng dân tộc cho trẻ em.

Trước đây, với mong muốn lưu truyền nét đặc trưng của dân tộc, những người cao tuổi thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô đã mở nhiều lớp học chữ viết, tiếng nói của dân tộc Cao Lan. Tuy nhiên, do chữ viết của dân tộc Cao Lan là loại chữ cổ, viết theo tượng hình Hán Nôm nên rất khó đọc, khó nhớ, không phải ai cũng có thể kiên trì học được.

Hương Giang