Gìn giữ nét đẹp truyền thống của chợ Tết xưa
Ngày 24/1, Bảo tàng Ninh Bình khai mạc Trưng bày chuyên đề "Không gian Tết xưa", thu hút đông đảo nhân dân, đặc biệt là học sinh đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết, từ lâu trong tâm thức của người Việt, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của một năm. Tết là dịp để con cháu sum vầy, gia đình tụ họp. Chợ Tết là những phiên chợ họp vào dịp Tết (thường từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp) phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Chợ Tết diễn ra nhiều nơi từ các đô thị tới vùng nông thôn, vùng cao. Một trong những phong tục vui Xuân của người Việt Nam là đi chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, mua may, bán đắt. Chợ Tết xưa mang nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều phong tục, tập quán bị mai một nhưng nét đẹp truyền thống của Tết xưa còn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Để tái hiện lại không gian đón Tết xưa của người Việt, Bảo tàng Ninh Bình trưng bày chuyên đề "Không gian Tết xưa" với lối sắp xếp và trang trí các gian hàng theo phong cách dân gian gồm những nội dung: Không gian phòng khách gia đình ngày Tết, không gian chợ Tết và không gian trải nghiệm.
Ban tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng, tái hiện cổng chợ được trang trí bằng mái lá truyền thống và treo những câu đối, đại tự. Trong chợ, Ban tổ chức sắp xếp các gian trưng bày và phục vụ người dân, gồm: Gian ông đồ với tục cho chữ, viết thư pháp ngày Xuân; Gian bán hàng gốm, sành sứ, gian nông sản; Gian bán hàng ẩm thực trưng bày các sản phẩm như bánh chưng, bánh mật, bánh nếp... Ngoài ra còn có không gian trải nghiệm gói bánh chưng, không gian chế biến lương thực và không gian tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống: Chơi đu, kéo co, ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt vịt…
Đây là năm thứ tư "Không gian chợ Tết xưa" được Bảo tàng Ninh Bình tổ chức, với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, là địa chỉ tham quan thú vị để người dân có dịp được tìm hiểu về phong tục, tập quán độc đáo gắn với ngày Xuân của dân tộc Việt Nam; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ trải nghiệm hoạt động Tết Nguyên đán đầy đủ, ý nghĩa hơn.
Trưng bày chuyên đề diễn ra đến ngày 29/1/2024.