Đời sống xã hội

Gìn giữ Tết truyền thống

Tú Linh 24/01/2024 - 19:49

Xu hướng bảo tồn văn hóa Tết truyền thống những năm gần đây đang được khôi phục khá sâu đậm. Việc người dân đi đón Tết ở những nơi xa ngày càng ít; họ chọn ở nhà tham gia nhiều hơn vào các việc làm giữ gìn truyền thống như gói bánh chưng, bánh tét…; sắm sửa trang phục truyền thống để đón Tết.

114d4045733t658l5-tu-linh-banh.jpg

Gia đình ông bà Lê Văn Quốc ở Khu phố 3, Phường 1, TP. Đông Hà (Quảng Trị) có 3 người con trai và 1 con gái đã lập gia đình và hiện đang sinh sống ở xa. Các con của ông Quốc đều duy trì nét văn hóa về quê đón tết cổ truyền cùng bố mẹ. Họ quan niệm Tết là dịp tri ân tổ tiên, phải về sum họp với bố mẹ, bà con ruột thịt, vừa tỏ lòng hiếu thảo, vừa nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý. Truyền thống tốt đẹp đó đã giúp gắn kết thêm bền chặt tình cảm gia đình, dòng họ và tình yêu quê hương; giúp con cháu hiểu về phong tục tết cổ truyền của dân tộc.

“Tết là dịp để sum vầy, đoàn tụ bên gia đình nên mọi người ai cũng muốn trở về, ở bên người thân sau một năm lao động miệt mài. Năm nay, các cháu sắp xếp được công việc nghỉ sớm, từ ngày 20 tháng Chạp đã tụ tập về nhà ba mẹ đón Tết.

Tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết, người lớn thì lau dọn vệ sinh, trang trí nhà cửa, sắm sửa chuẩn bị các món ăn truyền thống, trẻ con thì náo nức trông chờ Tết, vẽ tranh mèo đón Tết. Ngày đầu năm mới, gia đình chúng tôi thường đi thắp hương nhà thờ tổ tiên, thăm nghĩa trang liệt sĩ, sau đó đi chúc Tết họ hàng”, ông Quốc cho biết.

Gia đình anh Trần Trọng Thanh ở Phường 5, TP. Đông Hà (Quảng Trị) trước đây năm nào vào ngày cuối cùng của năm cũng khóa nhà đi chơi Tết xa cho đến gần hết thời gian nghỉ Tết mới trở về nhà. Năm nay, anh chị cho biết, đi chơi Tết xa rồi cũng chán, không có Tết đâu ấm áp, yêu thương như ở quê hương. Vì vậy anh chị đã mua sắm một cây quất thế, vài chậu hoa cúc cùng các thứ gạo nếp để cùng gia đình làm các thứ bánh truyền thống đón Tết.

Cùng với xu hướng chọn đón Tết tại quê hương của giới trẻ, những năm trở lại đây, việc giữ gìn các món ăn truyền thống ngày Tết cũng được khôi phục trên nhiều làng quê Quảng Trị. Nhiều gia đình tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, bánh hộc, làm bánh ít, bánh giầy… để gìn giữ hương vị ngày Tết.

Dâng cúng bánh chưng, bánh tét cũng như các loại bánh vào dịp Tết là sự biết ơn trời đất đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và cầu mong một năm mới thái bình. Giây phút ý nghĩa nhất là lúc cả gia đình rộn ràng, tất bật chuẩn bị nguyên liệu rồi quây quần gói bánh, nấu bánh, rôm rả chuyện trò về một năm cũ sắp qua và hy vọng về một năm mới sung túc.

Gia đình bà Lê Thị Duyên ở thôn An Lưu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cũng như nhiều gia đình khác trong vùng đều khôi phục gói bánh chưng nhiều năm nay. Gói được bánh chưng, bánh tét dù hơi vất vả, nhưng dường như ai cũng cảm thấy rất vui vì các thành viên có cơ hội được gắn kết với nhau hơn, các cháu nhỏ cũng rất háo hức vì được học cách gói bánh.

Việc gói bánh của các gia đình không chỉ để cảm nhận không khí gia đình sum vầy mà còn là cách để ông bà, cha mẹ trao truyền cho con cháu biết được phong tục ý nghĩa ngày Tết của dân tộc Việt. Mong muốn các cháu sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống của gia đình, giữ gìn phong tục tốt đẹp để hương vị Tết của quê hương sẽ không bị mai một.

Cùng với bánh chưng, bánh tét, rất nhiều loại mứt, bánh cổ truyền của mỗi địa phương như mứt gừng, mứt dừa, mứt bí; bánh học, bánh gai, bánh bột lọc… cũng được các gia đình làm trong dịp Tết để con, cháu có dịp thưởng thức, cảm nhận được cái hay, cái ý nghĩa của tết cổ truyền rất riêng của quê hương mình.

Bên cạnh các món Tết truyền thống, trang phục du xuân cũng là mối quan tâm lớn của các gia đình trong những năm gần đây, nhất là may áo dài. Các mẹ, các chị đã dành thời gian lựa chọn cho mình và gia đình áo dài để đi chúc Tết rồi chụp ảnh để lưu giữ những bức ảnh đẹp trong năm mới. Là một người vốn yêu thích áo dài, chị Nguyễn Thị Thu Sương ở Phường 2, thị xã Quảng Trị cho biết, chị rất tự tin khi diện áo dài trong các dịp lễ, Tết.

Đặc biệt những năm gần đây chị thường sắm cho chồng và hai con trai những bộ áo dài “đồng phục gia đình” với màu sắc tươi mới để diện trong mấy ngày Tết. “Gia đình tôi xem việc mặc áo dài dịp Tết là cách góp phần giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc, duy trì phong tục và những giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp”, chị Sương chia sẻ.

Sống trong thế giới hội nhập ngày nay quan niệm về tết cổ truyền có nhiều thay đổi. Việc phần lớn người dân chọn ở nhà đón Tết và giữ gìn, phát huy những nét đẹp, độc đáo của văn hóa tết cổ truyền càng làm cho Tết thêm ấm áp, gần gũi, ý nghĩa hơn trong mỗi người.

Vì vậy, mỗi chúng ta cần thấy trách nhiệm trong việc gìn giữ những nét truyền thống văn hóa của tết cổ truyền để góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai.

Tú Linh