Bảo vệ và phát huy bền vững di sản nghệ thuật Bài chòi
Nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, có từ lâu đời của Nhân dân các tỉnh Trung Bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng. Trải qua thời gian, nghệ thuật Bài chòi đã hằn sâu trong tâm thức và gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người dân mỗi địa phương. Nhằm bảo vệ và phát triển giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động cụ thể.
Xác định tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể về bộ môn nghệ thuật Bài chòi, năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1899/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2023. Triển khai thực hiện các nội dung cụ thể trong đề án, kế hoạch góp phần rất lớn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản Bài chòi ở Quảng Trị, đồng thời, quan tâm, tạo mọi điều kiện để chủ thể nắm giữ di sản được thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa, đưa nghệ thuật Bài chòi đến gần hơn với công chúng.
Để bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi, việc tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi được đẩy mạnh.
Theo đó, từ năm 2018 - 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) giao Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh mở 14 lớp tập huấn dân ca và nghệ thuật Bài chòi cho cơ sở với sự tham gia của hơn 400 học viên là những hạt nhân trong công tác tuyên truyền, truyền dẫn nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.
Nhờ tích cực mở các lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật Bài chòi cho cơ sở, đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có các câu lạc bộ (CLB), hội chơi Bài chòi. Tiêu biểu như ở các làng: Tùng Luật, Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang; Đơn Duệ, xã Vĩnh Hoà; xã Trung Nam (huyện Vĩnh Linh); Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong); Hà Thượng, thị trấn Gio Linh; xã Hải Thái (huyện Gio Linh); xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị)...“Chính sự mộc mạc, giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người của các làn điệu Bài chòi dân gian đã khiến tôi yêu thích và tham gia lớp truyền dạy dân ca.
Tôi thấy những lớp truyền dạy rất bổ ích đối với các địa phương, góp phần thiết thực vào việc phổ biến Bài chòi dân gian đến với công chúng, nhất là thế hệ trẻ, từ đó phát huy được giá trị di sản văn hóa phi vật thể, lan tỏa giá trị văn hóa của nghệ thuật này”, chị Hồ Thị Lệ Xuân, một học viên tham gia lớp truyền dạy Bài chòi tại xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cho biết.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, quảng bá di sản Bài chòi cũng được Sở VH,TT&DL quan tâm triển khai. Các hoạt động tuyên truyền thường xuyên được lồng ghép thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị trên địa bàn tỉnh.
Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng cường rà soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình, nghệ nhân, nhạc công có kỹ năng, kinh nghiệm, am hiểu về nghệ thuật Bài chòi thực hiện truyền dạy và tích cực tham gia vào công tác khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi ở địa phương. Đồng thời, ngành đã tiến hành sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa hơn 100 tổ khúc, làn điệu, điệu hò, đặc biệt là hò Giã gạo, hò Như Lệ, hò Mái đẩy của Quảng Trị và viết lời mới cho 30 con bài.
Công tác ban hành chính sách, tạo điều kiện, môi trường cho nghệ nhân, CLB và cộng đồng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi cũng được chú trọng. Đến năm 2022, đã có 10 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể dân ca Bình Trị Thiên, hò Giã gạo Quảng Trị và hát Bài chòi.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ cho 22 CLB có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ trung bình 6 triệu đồng/CLB, trong đó có 6 CLB dân ca, Bài chòi đã được hỗ trợ.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, tập huấn, công tác tổ chức khai thác di sản Bài chòi phục vụ phát triển văn hoá và du lịch cũng được tỉnh quan tâm triển khai.
Tại các địa phương, Bài chòi từng bước trở thành sân chơi bổ ích cho đông đảo Nhân dân, đặc biệt thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia vui chơi giải trí trong các dịp lễ hội cũng như trong dịp vui Tết, đón xuân. Hoạt động tổ chức giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi tại trường học cũng được triển khai nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương đã được UNESCO ghi danh như: Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Vĩnh Linh nhiều năm qua đã thực hiện đưa nghệ thuật Bài chòi lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, thông qua đó giúp học sinh được tiếp cận, hiểu, biết và yêu hơn môn nghệ thuật truyền thống của quê hương.
Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kim Đồng Hồ Xuân Huyền chia sẻ: “Từ năm 2018, trường đã lồng ghép đưa môn nghệ thuật Bài chòi vào các hoạt động ngoại khóa nên các em hiểu hơn về môn nghệ thuật dân gian này, từ đó lan tỏa tình yêu, sự hứng thú đối với bài chòi đến với mỗi học sinh. Nhiều học sinh của trường đã chủ động tham gia một cách thích thú hát bài chòi trong các lễ hội tại địa phương. Đồng thời, chính các em trở thành tuyên truyền viên để lan tỏa tình yêu nghệ thuật Bài chòi đến với gia đình và cộng đồng”.
Với các hoạt động tích cực và đồng bộ, đến nay, Bài chòi đã từng bước trở thành một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá được đông đảo Nhân dân tham gia, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở VH,TT&DL sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa đến các tầng lớp nhân dân cùng với các hoạt động khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi của tỉnh.
Tạo điều kiện để các CLB, nghệ nhân Bài chòi mở các lớp truyền dạy thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi tại địa phương. Cùng với đó, gắn kết nghệ thuật Bài chòi với hoạt động du lịch thông qua việc đưa chương trình biểu diễn bài chòi vào hoạt động sân khấu bài chòi ở các dịp lễ hội hằng năm.