Quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái
Từ năm 2022 đến nay, dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được Hội LHPN huyện Nghĩa Hành triển khai tại xã Hành Tín Tây. Dự án đã góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Từ một người nội trợ, chị Thạch Thị Sơn Hồng ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu nhập của chồng, nên đã chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng với chồng bằng cách kiếm việc làm để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Tranh thủ thời gian lúc con đi học, chị quyết định bán hàng online. “Lúc đầu, tôi đăng hình ảnh các món ăn tôi làm như ram bắp, bánh xèo, đồ ăn vặt. Đăng lên Facebook thấy mọi người vào hỏi mua nên tôi thấy rất vui vì món ăn mình làm ra được mọi người ủng hộ”, chị Hồng chia sẻ.
Khách hàng chủ yếu là người dân trong thôn, khách đặt đến đâu thì chị làm và giao đến đó. Dần dần chị Hồng có được lượng khách kha khá trên mạng xã hội, từ đó mở rộng thêm các mặt hàng kinh doanh khác, như quần áo, trái cây, nước mắm… “Các mặt hàng online rất đa dạng, nhiều mẫu mã, do đó có sự cạnh tranh về giá cả. Khách hàng thường vào các trang mạng xem hình ảnh sản phẩm sau đó thỏa thuận về giá cả, nếu đồng ý mua hàng thì sẽ có người giao đến tận nhà, không phải bỏ công tìm đến các cửa tiệm để mua. Để thu hút thêm khách hàng, tôi còn đăng ký thành viên trên sàn thương mại điện tử như Shopee, Sellly”, chị Hồng cho hay.
Chị Phạm Thị Thủy cùng hai con gái xem lại những tấm ảnh kỷ niệm của gia đình. |
Cách nhà chị Hồng không xa là gia đình chị Phạm Thị Thủy. Dù sinh con “một bề” là gái nhưng vợ chồng chị Thủy quyết định dừng lại ở 2 con để chăm lo và dạy con cho tốt. Chị Thủy cho biết, được hội LHPN tuyên truyền, nên vợ chồng tôi không đặt nặng vấn đề chuyện sinh con trai hay con gái, mà quan niệm con nào cũng là con, miễn là con khỏe mạnh và ngoan ngoãn là vui rồi. Vì vậy mà khi sinh con “một bề” là gái, vợ chồng chị Thủy quyết định kế hoạch hóa gia đình để có điều kiện chăm sóc con, chăm lo làm kinh tế để cho con được học đến nơi đến chốn.
Chú trọng truyền thông
Xác định công tác tuyên truyền là yếu tố quyết định đến việc thay đổi nhận thức của phụ nữ, Hội LHPN huyện Nghĩa Hành đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông cộng đồng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; đảm bảo tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện qua các cuộc đối thoại chính sách, tham gia câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đồng thời, cử đội ngũ cán bộ hội cơ sở tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật thông tin cho tuyên truyền viên, tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình, hoạt động của dự án do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Trong năm 2023, Hội LHPN huyện Nghĩa Hành tổ chức tập huấn hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp hội viên phụ nữ biết ứng dụng công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường; tập huấn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám và theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ trong vòng 2 năm đầu đời, quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Hành Nguyễn Thị Kiều Hoanh cho biết, việc triển khai thực hiện các nội dung của dự án 8 bước đầu đã đạt được kết quả khả quan; trong đó công tác truyền thông nâng cao nhận thức có vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nâng cao quyền năng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với vấn đề bình đẳng giới; có cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, từng bước nâng cao vai trò, bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.