Đời sống xã hội

Bứt phá xây dựng nông thôn mới

Vân Anh 22/01/2024 - 18:04

Giữ chuẩn, nâng chuẩn là mục tiêu đặt ra trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Quảng Ninh. Khi ý Đảng hợp lòng dân đã tạo nên nội lực mạnh mẽ cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi vùng quê chung sức, đồng lòng xây dựng NTM ngày càng phát triển bền vững.

398-202401221638551.png
Nhân dân xã Thủy An (TX Đông Triều) đóng góp ngày công xây dựng tuyến đường NTM.

Khi nhân dân đồng thuận

Đến thôn Quán (xã Liên Vị, TX Quảng Yên) những ngày này, chúng tôi thấy được hình ảnh làng quê ngày một đổi mới, phát triển. Những ngôi nhà khang trang, những con đường giao thông trải dài, sáng, xanh, sạch, đẹp; người người, nhà nhà vui mừng phấn khởi. Có được kết quả đó chính là việc đã phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân “Dân biết - dân làm - dân thụ hưởng”.

398-202401221638552.png
Người dân thôn Quán (xã Liên Vị, TX Quảng Yên) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Xây dựng NTM nâng cao, thôn Quán được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường bê tông nội thôn. Khi xã thông báo các tuyến đường trong thôn được tu sửa, nâng cấp, thôn đã họp bàn và vận động nhân dân hiến đất, ngày công để mở rộng đường. Quá trình vận động luôn được bà con đồng thuận, tự nguyện hiến đất, ủng hộ ngày công, kinh phí để làm đường.

Anh Cao Văn Tùng, thôn Quán, xã Liên Vị, TX Quảng Yên cho biết: “Khi được thông báo thôn sẽ mở rộng đường giao thông nội thôn, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Được tuyên truyền, vận động hiến đất, gia đình tôi đồng ý ngay, đã hiến 12m2 đất. Hiện tuyến đường đã được hoàn thành, gia đình tôi tự xây lại tường rào để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp”.

Năm 2023 thôn Quán có 6 tuyến đường nội thôn được nâng cấp, cải tạo, tổng chiều dài 552m, trong đó tuyến dài nhất 136m, rộng 3,2m; Nhà nước hỗ trợ 52,5 tấn xi măng, nhân dân đóng góp kinh phí trên 190 triệu đồng, hơn 400 ngày công lao động… Các tuyến đường hoàn thành đều đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

“Tôi thấy chính quyền làm việc rất trách nhiệm, dân chủ. Trước khi làm đường, xã, thôn đã họp bàn với người dân để lấy ý kiến. Nhận thấy lợi ích mà mình được thụ hưởng, các hộ dân đều tích cực tham gia, tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc và vận động các hộ khác cùng tham gia. Nhờ đó tuyến đường rộng, thông thoáng được nhanh chóng hoàn thành, góp phần nâng cao đời sống của người dân thôn” - Ông Cao Văn Quý, người dân thôn Quán, chia sẻ.

398-202401221638553.png
Người dân thôn Quán phấn khởi khi tuyến đường nội thôn được hoàn thành. Ảnh: Nguyễn Túc (CTV)

Bà Phạm Thị Lụ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quán xã Liên Vị cho biết: “Nhằm góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền hoàn thành mục tiêu đề ra, các cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn đã tích cực tham gia các phần việc trong khả năng của mình. Nhờ có chủ trương đúng đắn mà nhân dân vừa đóng góp tiền của, vừa chung sức cùng tham gia thực hiện. Tuyến đường nội thôn được hoàn thành, tạo niềm vui, phấn khởi cho người dân”.

Một trong những phần việc được thôn chú trọng trong xây dựng NTM nâng cao là xây dựng cảnh quan môi trường. Người dân đã chủ động thu gom, xử lý rác đúng nơi quy định; tích cực tham gia trồng hoa, trồng cây xanh trên các tuyến đường, vừa tạo vẻ mỹ quan, vừa giúp cho không gian sống được trong lành.

Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy NTM hiện diện ở khắp vùng quê trong tỉnh. Làng quê đã được “khoác áo mới”, nhà cửa khang trang, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được cải thiện rõ rệt.

398-202401221638554.png
Nhân dân thôn Yên Hàn (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) tham gia vệ sinh môi trường.

“Dễ 10 lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thực hiện lời dạy của Bác, để tăng thêm sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, tăng niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền; thông qua công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương đã huy động hiệu quả sức dân trong xây dựng NTM. Những con đường được cứng hóa, trải nhựa, nhà văn hóa thôn, xóm, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng được đầu tư, nâng cấp, trường học khang trang, sạch đẹp… đều có những đóng góp của người dân, từ hiến đất, góp vật liệu, ngày công đến tiền của.

Hành trình không có điểm dừng

Quảng Ninh triển khai chương trình xây dựng NTM từ năm 2010. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, riêng có, chương trình đã mang lại nhiều dấu ấn đậm nét, đưa các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện rõ rệt. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn đạt 52,5 triệu đồng/năm, tăng 25,87 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 17,25% năm 2010 xuống còn 0,1%.

398-202401221638555.png
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh kiểm tra các tuyến đường NTM kiểu mẫu ở xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ).

Nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của người dân ở những vùng còn nhiều khó khăn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND "Về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh". Ngày 16/1/2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND "V/v phê duyệt đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh" (Đề án 196).

Quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện Đề án 196 là cấp tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn; cấp huyện chỉ đạo; cấp xã thực hiện; thôn, bản đồng lòng; người dân là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên. Đề án đã dành mức đầu tư vượt trội, trên 2.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020, cao hơn 7 lần so với mức bình quân của trung ương. Đến hết năm 2019 Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu là tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

398-202401221638556.png
Nông dân xã Vạn Yên đóng gói các sản phẩm cam bản địa đạt tiêu chuẩn OCOP.

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng về an sinh xã hội, ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS, các đối tượng chính sách, yếu thế. Nổi bật là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đi vào cuộc sống đã tạo động lực mạnh mẽ để các địa bàn khó khăn bứt phá, vươn lên. Quảng Ninh đã về đích chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm.

Tỉnh vận dụng linh hoạt, sáng tạo, triển khai thành công chương trình OCOP, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp, sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong SXKD các sản phẩm truyền thống có lợi thế của tỉnh.

398-202401221638557.png
Mô hình nuôi gà theo hướng VietGAP được nhiều hộ dân huyện Tiên Yên áp dụng hiệu quả.

Ông La A Chiu, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) cho biết: Ngay khi huyện có chủ trương khôi phục, phát triển miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm OCOP, ông đã đăng ký tham gia. Với sự hỗ trợ của tỉnh và địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thiết bị, máy móc, thu mua nguyên liệu để sản xuất miến dong, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Hiện sản phẩm miến dong của HTX có được sự tin tưởng của người tiêu dùng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bên cạnh nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, chủ trương xây dựng những mô hình thôn, xã thông minh đã giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Theo đánh giá, các mô hình thôn, xã thông minh bước đầu đem lại hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, góp phần sớm đưa các xã trở thành xã NTM kiểu mẫu. Phát triển mô hình này giúp thúc đẩy phát triển nông thôn nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là giúp người dân nông thôn tiếp cận nhanh, hiệu quả các dịch vụ công cơ bản, nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế.

Bà Phạm Thị Loan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thanh (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà), cho biết: Với sự vào cuộc của Tổ công nghệ số cộng đồng, việc thanh toán điện tử trên môi trường mạng, sử dụng các thiết bị di động đang dần trở nên quen thuộc với mỗi người dân. Thôn đã đưa vào sử dụng hệ thống wifi miễn phí tại Nhà văn hóa, mạng lưới camera giám sát ATGT dọc tuyến đường trục chính. Mô hình thôn thông minh đang dần đi vào từng ngõ xóm, nhà dân.

398-202401221638558.png
Người dân xã Quảng An (huyện Đầm Hà) cập nhật thông tin của địa phương qua kênh tuyên truyền chính thống trên mạng xã hội. Ảnh: Hoàng Giang

Không ngừng củng cố hạ tầng cơ sở, lấy kinh tế làm “đòn bẩy” để sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục cùng đồng hành và phát triển là cách làm của nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Từ xây dựng NTM, người dân đã biết vươn lên làm giàu chính đáng; bằng tư duy mới, kỹ thuật công nghệ mới, kế thừa và phát huy thế mạnh các sản phẩm truyền thống ở địa phương để nâng tầm giá trị nông sản. Nhiều sản phẩm được áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, GMP… Các mô hình sản xuất phát triển theo hướng liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi và khâu tiêu thụ.

Hành trình xây dựng NTM “không nghỉ, không ngừng, không có điểm dừng” đã tạo nên khí thế mới, sức sống mới. Thành quả đó chính là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để cho những bản làng, vùng quê “đơm hoa, kết trái”…

Vân Anh