Văn hóa

Độc đáo lễ cúng tiễn năm cũ của đồng bào Khơ Mú

Gia Ân-Lữ Phú 22/01/2024 - 13:31

Trước đây, người Khơ Mú ăn Tết khá sớm so với các dân tộc khác, song những năm gần đây, đồng bào các huyện vùng cao Nghệ An, trong đó có đồng bào Khơ Mú đã cùng ăn Tết chung. Tuy nhiên, phong tục cúng tiễn năm cũ của người Khơ Mú vẫn được duy trì và sẽ được tổ chức trước Tết nguyên đán.

Xua đuổi những xui xẻo trong năm đã qua

Theo đồng bào Khơ Mú ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), để thực hiện lễ cúng tiễn năm cũ, ít nhất phải có 3 con gà, 1 con để cúng năm cũ, 1 con để chào đón năm mới và con thứ 3 là để cúng hồn lúa, cầu cho mùa rẫy năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

1.jpg
Chuẩn bị cho Lễ cúng tiễn năm cũ, đồng bào Khơ Mú phải chọn những con gà trống.

Ông Moong Văn Xuân, ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, chủ hộ thực hiện lễ cúng tiễn năm cũ, cho biết: “Nghi thức đầu tiên trong lễ cúng tiễn năm cũ của người Khơ Mú là cắt tiết gà bôi lên đầu gối của tất cả các thành viên trong gia đình. Con đầu tiên là để tiễn năm cũ, với ý nghĩa xua đuổi những xui xẻo trong năm đã qua. Con thứ 2 là để đón năm mới, với hàm ý cầu mong may mắn, sức khỏe, bình an cho tất cả mọi người trong gia đình”.

Tiếp đó là nghi lễ cúng rượu cần, đây là phần lễ gọi, mời ông bà tổ tiên đã khuất về ăn Tết với con cháu. Để mời được tổ tiên về cùng chung vui rượu cần, gia chủ phải nhờ các cụ cao tuổi, những người có uy tín, được kính trọng trong bản về cầu khấn giúp gia đình những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới, nhất là sức khỏe.

2.jpg
Để cầu xua đuổi những điềm rủi trong năm cũ, đồng bào cắt tiết gà bôi lên đầu gối từng thành viên trong gia đình.

“Tục cúng trong nghi lễ này sẽ có 2 lượt, đầu tiên gia chủ sẽ cúng đầu, tiếp đến các cụ già sẽ đáp lại, 2 lần như thế, với hàm ý báo với tổ tiên năm cũ đã hết, sang năm mới, mùa rẫy mới đã bắt đầu. Mong ông bà, tổ tiên phù hộ, bảo vệ cho con cháu được bình an, sức khỏe dồi dào, chân cứng đá mềm”, ông Cụt Thanh Hải, già làng ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, Kỳ Sơn, chia sẻ.

Trong lễ tiễn năm cũ, người Khơ Mú còn chuẩn bị một mâm cúng, với đầy đủ xôi, thịt gà và các sản vật từ nông nghiệp do đồng bào trồng, như: Bí, ngô, khoai sắn… bày trên lá chuối hoặc mâm mây. Các thành viên trong gia đình sẽ ngồi quanh mâm cúng và được chủ hộ lấy một ít xôi, thịt, bỏ vào lòng bàn tay của từng người, ý nghĩa năm cũ đã qua, năm mới đến thì hồn vía của mọi người trong nhà cũng phải được ăn no, người mới khỏe mạnh.

4-2-.jpg
Đồng bào cũng chuẩn bị một mâm cúng, đây như một thủ tục làm vía

Cầu mong cho năm mới đủ đầy, hạnh phúc hơn

Ông Cụt Văn Thê, Phó chủ tịch UBND xã Phà Đánh, Kỳ Sơn cho hay: “Trước đây, đồng bào Khơ Mú ăn Tết khá sớm, trước Tết nguyên đán hẳn 1 tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, đồng bào đã cùng ăn Tết chung với Tết nguyên đán, nhưng vẫn giữ tập quán riêng là hàng năm, đến tháng 12 âm lịch, tất cả các hộ dân sẽ tổ chức làm lễ cúng tiễn năm cũ, đón năm mới. Cầu mong cho con cháu sang năm mới đều mạnh khỏe, chăn nuôi trâu, bò ngày càng phát triển”.

5.jpg
Thầy cúng sẽ lấy mỗi thứ 1 ít, như: thịt gà, xôi, rau củ quả bỏ vào lòng bàn tay từng người, ý nghĩa cho linh hồn người đang sống ăn.

Dân tộc Khơ Mú tại huyện biên giới Kỳ Sơn hiện có gần 30.000 người, chiếm trên 36% dân số trong toàn huyện. Do xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng lên, nhiều nét văn hóa của người Khơ Mú đã có nhiều đổi mới, nhưng phong tục cúng tiễn năm cũ vẫn được duy trì và bảo tồn, tạo nên bản sắc văn hóa khác đặc biệt của đồng bào Khơ Mú.

6(1).jpg
Sau khi hoàn tất các thủ tục cúng bái, gia chủ cùng khách mời sẽ thưởng thức rượu cần và cùng ăn bữa cơm năm mới, theo lịch Tết của đồng bào Khơ Mú.

Đồng thời, thông qua lễ cúng thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với tổ tiên, cũng như niềm vui ngày đoàn viên của cả gia đình, với ước mong về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn cho đồng bào.

Gia Ân-Lữ Phú