Chung tay thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn biên giới
Báo Biên phòng•22/01/2024 - 07:59
Những năm qua, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình còn tích cực chung tay cùng các cấp, các ngành, đoàn thể cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, giúp nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xã hội, tạo diện mạo mới cho bản làng.
Chọn mô hình hợp lòng dân
Trong chuyến công tác lên xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh mới đây, đến với các bản làng đồng bào người Vân Kiều, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô trao tặng cho bà con như mô hình trồng cây dổi ghép, vườn ổi gia đình, cây dứa cao sản, tiếng máy vùng biên, du lịch cộng đồng... Từ những mô hình này đã giúp bà con giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 30,56% so với 60 đến 70% thời gian trước đây.
Trên tinh thần bám địa bàn, giúp đồng bào phát triển kinh tế, xã hội, BĐBP Quảng Bình đã triển khai nhiều phong trào, chương trình như "BĐBP Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới", "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", trao tặng hàng trăm mô hình sinh kế, công trình dân sinh, giúp đồng bào các địa phương nơi miền cương vươn lên chiến thắng đói nghèo.
Dọc suốt chiều dài hơn 222km đường biên giới của tỉnh Quảng Bình, đồng bào các dân tộc luôn ấn tượng bởi sự tận tâm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP khi cùng chung tay, góp sức với người dân dựng xây bản làng ngày càng phát triển. Ông Hồ Biên, 50 tuổi, người dân tộc Mã Liềng ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Được các anh ở Đồn Biên phòng Ra Mai trao tặng mô hình và trực tiếp hướng dẫn nên gia đình mình đã trồng được 40 cây mít giống Thái. Qua 3 năm, cây đã cho thu hoạch với năng suất khá cao. Nhiều gia đình trong bản Lòm cũng đã có thu nhập ổn định nhờ trồng loại mít này”.
Đồng bào các dân tộc trên vùng cao thường hay có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên ý thức tự vươn lên thoát nghèo không cao, chính vì thế, các đồn Biên phòng đã từng bước khơi dậy khát vọng ấm no, làm giàu cho người dân. Thiếu tá Cao Xuân Hoàng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Việc xây dựng và trao tặng các mô hình kinh tế, các công trình dân sinh cho người dân là rất quan trọng, song, để người dân thoát nghèo bền vững thì phải xây dựng được cho họ ý thức tự vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trồng chờ, ỷ lại... Thời gian qua, đơn vị chúng tôi đã tích cực bám địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy, cách nghĩ để tự mình vươn lên thoát nghèo”.
Điểm tựa của đồng bào vùng biên giới
Là lực lượng luôn gắn bó với đồng bào các dân tộc trên biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song các đồn Biên phòng đã tích cực xây dựng nhiều công trình, mô hình giúp người dân phát triển kinh tế.
Trong thực hiện, các đơn vị đã “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tỉ mỉ để bà con hiểu và thực hiện, mạnh dạn đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước hình thành và phát triển vùng nông sản mang tính hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả những chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn biên giới.
Trong năm 2023, BĐBP Quảng Bình đã giúp dân sản xuất 4 mô hình lúa nước đạt năng suất 4 đến 4,5 tấn/ha; trực tiếp xây dựng và kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các tổ chức trao tặng 12 công trình “Ánh sáng vùng biên”, 10 công trình “Truyền thanh bản xa”, 9 "Công trình nước sạch", 12 “Cổng chào vùng biên”, 4 “Giếng nước Biên phòng", 35 “Nhà vệ sinh vì cộng đồng”, cùng nhiều hoạt động khác với tổng trị giá 11 tỷ đồng.
Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy BĐBP Quảng Bình cho biết: “Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa bàn miền núi, biên giới đòi hỏi phải kiên trì, bám sát địa bàn dân cư. Để tạo niềm tin cho nhân dân, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng tốt các mô hình trình diễn, sau đó nhân rộng cho người dân học tập, đồng thời phải cử cán bộ thường xuyên bám dân, bám địa bàn và chuyển giao công nghệ cho người dân thực hiện... Với cách làm này, đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con, người dân thấy được vai trò của chính bản thân mình, lấy đó làm động lực để vươn lên trong cuộc sống”.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vùng cao biên giới của BĐBP Quảng Bình đã từng bước giúp đồng bào các dân tộc vươn lên thoát nghèo, bộ mặt các bản, xã vùng biên giới ngày càng khởi sắc. Đây cũng chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ BĐBP tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, cống hiến và mãi là điểm tựa vững chắc cho người dân trên địa bàn biên giới.