Đời sống xã hội

"Dân vận khéo" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hiền Chi 20/01/2024 15:34

Làm tốt công tác “Dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã góp phần giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực tham gia lao động sản xuất để tiến tới giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để tuyên truyền, vận động và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, coi trọng tính thiết thực, hiệu quả là kinh nghiệm được các tổ dân vận trên địa bàn huyện đúc kết từ thực tiễn triển khai phong trào “Dân vận khéo” ở vùng ĐBDTTS.

Là huyện miền núi rẻo cao phía tây bắc của tỉnh, Minh Hóa là nơi sinh sống lâu đời và đoàn kết của các dân tộc anh em, gồm: Kinh, Bru-Vân Kiều, Chứt và một số DTTS khác, như: Thổ, Mường, Thái, Tày, Khơ Me, Nùng, Ja Rai, Hơ Mông, Pa Cô, Hre… Toàn huyện hiện có trên 3.100 hộ ĐBDTTS, với 13.600 khẩu, sinh sống tập trung chủ yếu tại 42 thôn, bản của 7 xã trên tuyến biên giới và vùng cao, gồm: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa, Hóa Hợp, Hóa Tiến và Hóa Phúc.
Thực hiện công tác dân vận trong ĐBDTTS, thời gian qua, hệ thống chính trị huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong vùng ĐBDTTS.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công, chỉ đạo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên hướng về cơ sở, bám sát địa bàn phụ trách, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, tập trung giải quyết những việc khó, việc cụ thể sát với tình hình thực tế của địa phương. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy hiệu quả vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, đoàn viên, hội viên là ĐBDTTS trong công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia lao động sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của bà con đối với Đảng, Nhà nước.Trưởng ban Dân vậnHuyện ủy Minh Hóa Đinh Thị Thanh Huyền trao đổi thêm: “Để làm tốt hơn nữa công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy Minh Hóa đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp các thôn, bản thuộc 4 xã: Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự.
images773282_hc.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Trọng Hóa tham gia trồng hoa, xây dựng đoạn đường kiểu mẫu.
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công 51 cơ quan, đơn vị là các chi bộ, đảng bộ cơ quan trực thuộc Huyện ủy, các ban, cơ quan thuộc Huyện ủy, các phòng, ban thuộc UBND huyện, các cơ quan thuộc khối Mặt trận huyện thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp đỡ 42 thôn, bản thuộc 4 xã nói trên. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện mô hình và bước đầu đạt kết quả tích cực. Nhiều nội dung giúp đỡ đã được triển khai, như: Phát động, tham gia cùng bà con tổng dọn vệ sinh; thăm, tặng quà; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả; kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ giống vật nuôi, xây dựng các công trình dân sinh... với tổng trị giá các phần việc gần 1 tỷ đồng”.
Công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được toàn hệ thống chính trị huyện Minh Hóa triển khai đồng bộ, quyết liệt, gắn với việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ ĐBDTTS của Đảng, Nhà nước. Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bà con nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, như: Vận động, hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, phối hợp tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, giao lưu, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, huy động nguồn lực sửa chữa đường liên thôn, vệ sinh môi trường... Từ đó, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo bà con tham gia vào các phong trào, cuộc vận động. Ý thức tự lực, tự chủ của ĐBDTTS có chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng được nâng lên và phát triển rộng khắp.Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ gia đình ĐBDTTS chủ động trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đầu tư làm lúa nước, phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế... để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Không ít những già làng, trưởng bản đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa mới ở cộng đồng dân cư. Diện mạo các xã vùng dân tộc, biên giới của huyện đổi thay tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ về cách làm hay trong công tác “Dân vận khéo” ở địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi cho hay: Xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, hàng năm, Đảng ủy xã Trọng Hóa đã bám sát mục tiêu, quan điểm nêu trong nghị quyết để xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể của xã cũng đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ra Mai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐBDTTS tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Ngày hội quốc phòng toàn dân”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nhiều mô hình mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình, như: Đảng ủy xã với mô hình “Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, “Trồng rừng kinh tế, phát triển chăn nuôi”, “Trồng rừng lấy gỗ lớn”; UBND xã với mô hình “Trồng rừng kinh tế, phát triển chăn nuôi”, Ủy ban MTTQVN xã với mô hình “Tuyên truyền nhân dân làm chuồng trại phát triển chăn nuôi đàn bò”...

Các tiêu chí xây dựng làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa được bà con tích cực hưởng ứng, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố vững chắc. Đời sống bà con vùng ĐBDTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua hàng năm. Cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, chú trọng việc bồi dưỡng cán bộ và phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ, đảng viên nữ là ĐBDTTS. Năm 2023, toàn huyện đã kết nạp 15 đảng viên mới là ĐBDTTS.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Minh Hóa Đinh Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận vùng ĐBDTTS trên địa bàn huyện Minh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Xác định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác dân vận trong vùng ĐBDTTS, đặc biệt là thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Ban Dân vận Huyện ủy Minh Hóa và hệ thống dân vận toàn huyện đang nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐBDTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc gắn với xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đặc biệt, với phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, các tổ dân vận sẽ tiếp tục tăng cường bám sát địa bàn cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, chủ động tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh. Trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương, Ban Dân vận Huyện ủy Minh Hóa sẽ đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo”, sẽ ưu tiên và tập trung giải quyết những việc khó, việc mới nảy sinh trong quá trình phát triển KT-XH, đặc biệt chú trọng, đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín nhằm tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất để giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiền Chi