Giữ ấm no cho miền núi
Bằng nhiều nỗ lực, đặc biệt là đòn bẩy từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực này vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên, theo nhìn nhận, việc thực hiện các nhiệm vụ ở miền núi vẫn còn nhiều “nan đề” cần tháo gỡ.
Chuyển biến...
Diện mạo của miền núi Quảng Nam đã có những thay đổi rõ nét. Đó là nhận xét của ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023 tổ chức vừa qua.
Ông Mai thông tin, các huyện miền núi đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Dấu ấn đậm nét là việc chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện một số dự án quan trọng tại vùng tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.
Theo ông Alăng Mai, các huyện miền núi đã triển khai thực hiện đồng bộ chính sách an sinh xã hội thông qua các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi, cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại…
Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ổn định và từng bước được cải thiện, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai được chú trọng đầu tư nâng cấp.
Giảm nghèo bền vững thu được nhiều kết quả khả quan. Việc trồng rừng, nâng cao chất lượng trồng rừng gỗ lớn góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đưa ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Khu vực này cũng đã hình thành một số nhóm sản phẩm OCOP đặc trưng của miền núi gắn với thị trường tiêu thụ như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích, đảng sâm...
Đòn bẩy cho phát triển miền núi là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và trong năm 2023. Nguồn lực tương đối “dồi dào” từ chương trình này giúp các địa phương đầu tư hạ tầng cấp thiết về giao thông, trường học, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Đối tượng yếu thế, hộ nghèo, gia đình khó khăn được trợ lực bằng rất nhiều chính sách về chuyển đổi nghề, hỗ trợ đất ở, xóa nhà tạm. Tính đến 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 68% và dự kiến đến 30/1 năm nay sẽ đạt 80 - 90%.
Gỡ các “điểm nghẽn”
Các huyện miền núi Quảng Nam khởi động năm 2024 với nhiều “nan đề” hiện hữu. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, nhân lực đang là câu chuyện đau đầu từ cấp xã đến cấp huyện.
“Năm 2024 và những năm tiếp theo, triển khai các chương trình theo Nghị quyết 88 của Quốc hội rất nhiều công việc, cần bổ sung, biệt phái hoặc có phương án để đáp ứng công việc, tiến độ đặt ra, nhưng hiện tại chưa thực hiện được.
Phòng Dân tộc của huyện Tây Giang tham mưu khá tốt, kịp thời đối với các chỉ đạo của Ban Dân tộc và UBND huyện, nhưng do nhân lực mỏng nên công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát ở lĩnh vực này chưa thường xuyên. Ngoài ra, Tây Giang cũng đang gặp lúng túng đối với một số tiểu dự án mà địa phương được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư” - ông Blúi chia sẻ.
Tại Nam Trà My, ngoài những khó khăn chung trong triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang là một thách thức. Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Nam Trà My vẫn khá cao.
“Dù đã tuyên truyền từ xã, thôn, chú trọng tại các trường học, song theo khảo sát, tình hình chưa có dấu hiệu khả quan. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều xã xây dựng trạm y tế không thể đạt chuẩn quốc gia. Thời gian tới, đảng bộ, chính quyền từ huyện đến xã, thôn sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện, có những giải pháp căn cơ hơn để giảm thiểu và tiến tới ngăn ngừa tình trạng này trong cộng đồng” - ông Phước nói.
“Năm 2024, Ban Dân tộc sẽ cùng các địa phương miền núi bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách quan trọng về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; chính sách đối với người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Ban cũng sẽ tích cực tham mưu phân bổ vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, duy trì nhịp độ phát triển cho khu vực này” - ông Alăng Mai nhấn mạnh.