Lễ hội mở cửa kho lúa của người Brâu
Vỏn vẹn chỉ còn hơn 400 nhân khẩu, dân tộc Brâu (Kon Tum) nằm trong số các dân tộc rất ít người của nước ta.
Tuy vậy, người Brâu lại sở hữu những nét văn hóa rất độc đáo, thể hiện qua Lễ hội truyền thống mở cửa kho lúa của họ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025, đồng bào Brâu đã được hỗ trợ, khuyến khích để thực hiện theo Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Lễ hội mở cửa kho lúa hay còn gọi là mừng lúa về kho, thường được tổ chức hai ngày trong tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm. Vào dịp này, người Brâu sẽ dọn dẹp kho lúa cũ từ mùa vụ trước, chuẩn bị đón lúa mới về. Lương thực của người Brâu chủ yếu từ gạo nên họ rất coi trọng lễ mở cửa kho lúa. Người Brâu tâm niệm, đây là thời điểm để tỏ lòng thành kính, biết ơn thần linh, gia tiên và cầu cho mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ, bảo vệ để dân làng ấm no, hạnh phúc.
Anh Trần Đình Trung, công tác tại Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiện nay, người Brâu đang cùng chung sống trong một quần thể cộng đồng gồm 7 dân tộc: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Nhưng họ gần như vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa riêng thông qua những ngày lễ mừng năm mới, nhà mới, mở kho lúa...”.
Trước ngày lễ mở cửa kho lúa, già làng phải xem ngày và làm lễ báo lên Giàng (thần linh) về việc làng chuẩn bị làm lễ hội. Khi ngày lễ bắt đầu, người dân sẽ dâng lên mâm lễ cúng có đầy đủ lễ vật: Gà, rượu ghè (rượu nấu từ gạo nếp và sắn ủ men rễ cây rừng), nắm thuốc lá, gùi đựng lúa đặt tại sân chính của nhà rông (tương tự đình làng). Khi đã đầy đủ lễ vật, già làng cúng mời Giàng và lấy rượu ghè, gan gà vẩy lên cửa kho lúa, rồi mở cửa kho. Cùng lúc đó, một trai làng to khỏe, đại diện dân làng lấy lúa trong kho bỏ vào gùi đưa cho một thiếu nữ mang ra sân. Khi già làng báo hiệu trên cửa kho bằng lá xanh, lễ hội chính thức bắt đầu.
Phần chính của lễ hội là cúng chiêng Tha (thần bảo hộ) và mời Tha ăn. Chiêng Tha là nhạc cụ quan trọng nhất đối với người Brâu, họ coi đây là đại diện cho thần Tha cũng như tổ tiên. Khi chiêng Tha cất tiếng sẽ mang đến những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng. Chiêng Tha của người Brâu có hai chiếc gồm Chuar (vợ) và Jơliêng (chồng), kích thước Jơliêng to và dày hơn Chuar.
Khi cúng chiêng, già làng sẽ bôi tiết gà vào lòng của hai chiếc chiêng, rót rượu ghè mời chiêng và khấn thần linh. Tiếp đến, hai nghệ nhân trong tộc sẽ kết hợp, biểu diễn nghi thức mời Tha về, hai chiếc chiêng được treo úp vào nhau, người dùng dùi cái thúc vào mặt chiêng, người còn lại cầm dùi đực thúc vào lòng chiêng.
Anh Thao Lang, người dân tộc Brâu (thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Một bộ nhạc cụ chiêng Tha có giá rất cao, mỗi bộ phải đổi mất từ 30 đến 40 con trâu. Ở trong làng, chỉ những gia đình khi được thần Tha báo mộng cho gặp một bộ nia (dụng cụ để sảy lúa) và một con ba ba thì mới được mời Tha về nhà. Hằng năm, mọi nghi lễ vẫn được người Brâu chúng tôi duy trì và phát huy trong đời sống hiện đại”.