Quảng Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu sổ
Quảng Ninh tích cực triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”, từ đó góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ được tham gia bình đẳng các lĩnh vực đời sống xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giới.
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao thực hiện; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai. Trong đó đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cấp xã, thôn, bản; tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới; thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý nhà nước.
Địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp nhịp nhàng. Các hoạt động truyền thông (hội nghị, sân khấu hóa, phát thanh, truyền hình, báo chí...) tiếp tục được tăng cường triển khai thực hiện nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể về công tác bình đẳng giới tại địa phương.
Trong năm 2023, Ban Dân tộc và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tập huấn về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tới 770 đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, trưởng thôn/khu, trưởng ban công tác mặt trận và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, bản, khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín tại 8 địa phương. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa “Hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” tại địa bàn 2 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Chẽ, huyện Đầm Hà.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức sản xuất nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các hạ tầng của đơn vị; lồng ghép trong các chương trình “Dân tộc và miền núi”, “Truyền hình tiếng Dao”, “Dân số và hạnh phúc”.
Các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú đã phối hợp với các ngành chức năng (Dân số, Công an, Tư pháp, Y tế...) tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; duy trì hoạt động của CLB Sức khỏe sinh sản vị thành niên, tổ tư vấn tâm lý; lồng ghép nội dung bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào môn học.
Năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có 288 nữ cán bộ dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 11 nữ cán bộ dân tộc thiểu số được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo đúng quy định. Hiện nay, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh đang duy trì 3 mô hình thí điểm phòng chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số với 9 CLB tại 3 địa phương Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh không phải là vấn đề nóng, phức tạp. Nhận thức trong nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được thay đổi, cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, khó khăn, một số hộ gia đình do trình độ nhận thức, cố hữu, định kiến giới vẫn còn nặng nề.