Tiếng chày giã gạo buổi hoàng hôn
Những năm cuối của thế kỷ trước, mỗi lần có dịp về làng, tôi đều nghe thậm thịch nhịp chày giã gạo.
Khi nắng mỏng dần từng lớp, hoàng hôn chớm thoa son trên những dãy núi xa mờ, cái âm thanh trầm ấm, định hình vào mỗi cuối ngày nghe gợi lên một nhịp sống thật thanh bình, ấm áp mà ta dường như khó nghe thấy ở nơi đâu.
Đó là những ngày mà cây lúa rẫy hãy còn miên man trên mỗi thung đồi. Khác với người Kinh có thói quen giã gạo dự trữ cho nhiều ngày, đồng bào dân tộc thiểu số thường chỉ giã vừa đủ dùng mỗi bữa hoặc trong ngày. Việc giã gạo được giao phó cho phụ nữ, gần như không thấy đàn ông tham gia bao giờ.
Để có hạt gạo, trong khi người Kinh phải viện đủ bộ “đồ nghề” lỉnh kỉnh, nào cối xay, cối giã, dần, sàng, nia, mẹt thì với đồng bào chỉ cần cối, chày và 1 chiếc mẹt là đủ. Chày được chế tác đơn giản đã đành, chiếc cối giã cũng thô mộc không kém. Nó chỉ gồm một khúc cây bằng loại gỗ cứng, có thể là trắc hoặc cà chít, dài khoảng 50-60 cm, đường kính chừng 30-40 cm cắt ra. Người ta dùng rìu khoét 1 lỗ hình tròn rồi dùng dao nhọn chuốt lại cho nhẵn, vậy là đã có 1 chiếc cối giã. Có thể nói đây là những dụng cụ gắn bó trọn đời với người phụ nữ. Và có lẽ cũng vì thế mà khi người con gái ra ở riêng, cối chày cũng nằm trong số của cải được đem chia.
Có những khoảng thời gian, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nên nhịp chày giã gạo cũng lúc nhặt lúc thưa, theo mùa. Mỗi chiều nghe tiếng chày thưa hẳn đi là người ta biết bà con dân làng đang trong những ngày giáp hạt. Còn khi tiếng chày vang lên thậm thịch, rộn ràng trước mỗi sân nhà chính là lúc làng đang vào mùa thu hoạch. Về làng vào những ngày này, tôi như cũng vui lây với không khí no ấm của dân làng.
Sau 1 ngày như thiêm thiếp ngủ dưới cái nắng đầu mùa mỏng manh giăng mắc, tiếng chày giã gạo bỗng làm bừng thức vũ điệu của hoàng hôn. Nghe âm thanh quen thuộc vừa cất lên, đàn heo béo tròn đã kéo đến chạy quanh cối gạo. Khói bếp vờn xanh rì trên mỗi mái tranh quyện với hương gạo mới nồng nàn quánh vào khứu giác. Đây cũng là thời điểm mà tôi nghe được những tiếng chào mời đổi chác. Kẹo, bánh đa, bánh rán… toàn những thứ hấp dẫn trẻ con và cả người lớn nữa. Không có tiền mặt, tất cả đều là “hàng đổi hàng”. Một lon gạo là 5 chiếc kẹo chanh hoặc 2 chiếc bánh đa nướng hoặc 4 chiếc bánh rán nhỏ… Chẳng ai tiếc, chẳng ai suy tính thiệt hơn. Dường như ai cũng thả tự do cái nhu cầu hưởng thụ của mình trong mùa no đủ, dù có thể chỉ vài tháng sau mùa suốt lúa không ít nhà phải ăn củ mì, củ mài thay cơm.
Mới đó mà nhịp chày giã gạo ở các buôn làng bây giờ gần như đã lùi vào dĩ vãng. Mỗi làng bây giờ ít ra cũng đã có mỗi chiếc máy xay xát làm dịch vụ. Máy móc thay thế cho nỗi nhọc nhằn của con người nhưng cũng làm mất đi cái âm thanh trầm ấm, cái nhịp điệu quen thuộc của mỗi buôn làng trong mỗi hoàng hôn. Tôi lại chợt bâng khuâng nhớ mùa lúa rẫy, nhớ cái màu vàng miên man trên thung đồi; nhớ nhịp chày uyển chuyển của những thiếu nữ bên cối gạo mà thuở ấy chưa ai nghĩ rằng có một ngày rồi sẽ mất đi.