Di sản văn hóa phi vật thể, trao truyền và tính nguyên bản
Tại hội thảo “20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” do Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cảnh báo tình trạng di sản phi vật thể “bị ép” phải hoành tráng.
Tại hội thảo, các ý kiến, tham luận đã cùng nhận diện thách thức, những mặt tồn tại của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh phát triển, hiện đại hóa, chuyển đổi xã hội và công nghệ.
Nguy cơ làm sai lệch di sản
Ở góc độ nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Hiền - Khoa các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng một số di sản như: Hát xoan, dân ca quan họ Bắc Ninh... sau khi được UNESCO ghi danh đã bị gắn thêm ý tưởng và quan điểm về sự xứng tầm, hoành tráng.
“Điều này tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn làm hủy hoại đến không gian, ý nghĩa vốn có của di sản” - bà Hiền chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Hiền còn cảnh báo về việc xây dựng và triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản như đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO về không gian cồng chiêng Tây nguyên, ca trù, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt... chưa được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên từ sau khi được ghi danh.
“Một số địa phương đã sử dụng di sản văn hóa phi vật thể như một đối tượng, một công cụ để khai thác du lịch hay lập kỷ lục, tức là triển khai những hành động khai thác, quảng bá mà không vì mục đích bảo vệ di sản cho cộng đồng” - bà Hiền phân tích và dẫn chứng việc kỷ lục cả nghìn người cùng hát quan họ ở Bắc Ninh, hay vòng xòe kỷ lục ở Yên Bái… là những thực hành văn hóa có thể dẫn đến nguy cơ làm sai lệch di sản.
Cùng trên quan điểm đề cao cộng đồng của di sản văn hóa phi vật thể, GS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cảnh báo việc thời gian qua có không ít những vụ việc lấy danh nghĩa hội, đoàn để vinh danh, thu tiền người thực hành di sản.
“Thậm chí họ sẵn sàng nộp một khoản lệ phí không nhỏ để có được những chứng nhận đó” -GS Lý cho biết.
Bảo đảm tính nguyên bản của di sản văn hóa phi vật thể
Tính đến tháng 4/2023, có 676 Di sản Văn hóa phi vật thể của 140 quốc gia, vùng lãnh thổ được UNESCO vinh danh.
Di sản Văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác bao gồm lễ hội, lối sống, bí quyết truyền nghề, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống.
Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO đưa ra để ghi danh giá trị bắt đầu năm 2001. Mỗi Di sản Văn hóa phi vật thể muốn có tên trong danh sách phải được một hoặc nhiều quốc gia đề cử cho UNESCO trước khi được một ủy ban của tổ chức này xem xét khả năng đưa vào danh sách.
Tại hội nghị lần thứ 3 họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2008, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể đã chia ra 2 danh sách ghi danh các Di sản Văn hóa phi vật thể gồm: Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể “đại diện nhân loại” và Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể “cần được bảo vệ khẩn cấp”. Theo đó, các kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được công bố trước đó được chuyển vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Theo UNESCO, Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại chứa đựng các yếu tố “giúp chứng minh sự đa dạng của di sản văn hóa và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó’’.
Với 15 di sản được ghi danh, Việt Nam có mặt trong top 10 quốc gia có số Di sản Văn hóa phi vật thể nhiều nhất được vinh danh. Trong số này, có 14 Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và 1 Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (Ca trù).
Cùng với những di sản văn hóa được UNESCO công nhận, chúng ta còn có nhiều Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm các loại hình: Lễ hội truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian. Tiếng nói, Chữ viết, Ngữ văn dân gian, Di sản hỗn hợp (điển hình là Di sản Nói lý, Hát lý của người Cơ Tu - vừa là Di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian, vừa là Di sản Tiếng nói, Di sản Chữ viết).
Tới nay, cả nước đã có hơn 400 Di sản Văn hóa phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia. Nhiều nhất là loại hình Di sản Lễ hội truyền thống, tiếp đến là Di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian và Di sản Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Ít nhất là loại hình Di sản Hỗn hợp.
Với bất cứ quốc gia nào, việc bảo tồn gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể cũng chính là để góp phần quan trọng làm phong phú nền văn hóa dân tộc; xây dựng hình ảnh, dấu riêng biệt của mỗi một quốc gia, đóng góp vào nền tảng văn hóa, lịch sử nhân loại.
Bảo vệ có nghĩa là đảm bảo di sản văn hóa phi vật thể là một phần cuộc sống của thế hệ hiện tại và sẽ được truyền dạy sang các thế hệ tương lại. Cũng chính vì thế, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn nguyên vẹn, trước khi có sự biến cải nào đó cho phù hợp hơn với cuộc sống đương đại.
Trong đó, việc làm biến dạng di sản là điều tối kị. Không thể vì bất cứ lý do gì, nhất là lý do kinh tế, làm cho hồn cốt của di sản văn hóa bị phai nhạt, khác đi, từ đó bị mai một.
15 Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh
Cụ thể: Nhã nhạc Cung đình Huế, UNESCO công nhận vào ngày 7/11/2003. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, UNESCO công nhận vào ngày 25/11/2005; trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh, được UNESCO công nhận ngày 30/9/2009, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang), là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để biểu lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, đằm thắm.
Nghệ thuật Ca trù (còn gọi là ả đào), được UNESCO công nhận ngày 1/10/2009; gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), được UNESCO công nhận ngày 16/11/2010; gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng.
Nghệ thuật Hát Xoan (Phú Thọ), được UNESCO công nhận ngày 24/11/2011. Ngày 8/12/2017, Hát Xoan được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, được UNESCO công nhận ngày 6/12/2012.
Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ, được UNESCO công nhận ngày 5/12/2013; là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, được UNESCO công nhận ngày 27/11/2014; là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.
Nghi lễ và trò chơi kéo co, được UNESCO công nhận ngày 2/12/ 2015. Cùng Việt Nam còn có Campuchia, Hàn Quốc và Philippines.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được UNESCO công nhận ngày 1/12/2016; là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, được UNESCO công nhận ngày 7/12/2017; không gian bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, được UNESCO công nhận ngày 13/12/2019; là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: Ca, nhạc, múa và diễn trò, phản ánh quan niệm của họ về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.
Nghệ thuật Xòe Thái, được UNESCO công nhận vào tháng 12/2021; không gian bao gồm 4 tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái.
Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm, được UNESCO công nhận ngày 29/11/2022. Nghệ thuật làm Gốm độc đáo của đồng bào Chăm (Gốm Chăm) tại làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ XII; là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất gốm thô sơ từ ngàn xưa.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, sự vinh danh không phải là lý do để đảm bảo cho di sản “sống” mà điều làm cho di sản “sống” là cả Nhà nước và cộng đồng đang bảo tồn di sản. UNESCO đã có một văn bản quy định 12 nguyên tắc đạo đức nhấn mạnh, cộng đồng được thực hành, sử dụng di sản và cơ quan Nhà nước, công ty du lịch muốn lấy di sản đó để phát triển du lịch thì phải có sự đồng thuận của cộng đồng sở hữu di sản đó và phải chia sẻ lợi ích với họ. Cần nhớ rằng, quan trọng nhất là di sản gắn với cộng đồng, mang lại giá trị cho cộng đồng. Sức sống của nó nằm ở cộng đồng.