Phát triển - Hội nhập
Để nông thôn thêm mới…
Những miền quê giàu đẹp, đáng sống, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, đó là những thành tựu, luồng gió mới từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cách làm, kinh nghiệm hay tại Lệ Thủy sẽ là bài học quý cho các địa phương khác học hỏi để có hướng đi riêng...
Xây dựng miền quê đáng sống
Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2017, xã Xuân Thủy tiếp tục thực hiện các tiêu chí để xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đến nay, các tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao của địa phương hoàn thành và cán đích theo đúng kế hoạch, lộ trình.
Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy Dương Đức Phố chia sẻ, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM và NTM nâng cao, địa phương xác định người dân là chủ thể quan trọng. Vì lẽ đó mà những năm qua, Xuân Thủy đã tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình….
Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, phong trào xây dựng NTM nâng cao ở Xuân Thủy đã đạt nhiều kết quả quan trọng, như: Giai đoạn 2019-2023, địa phương huy động nguồn vốn xây dựng NTM đạt hơn 126 tỷ đồng; 4/6 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu cấp huyện; nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản với số tiền gần 5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm…
"Khi triển khai quy định mới về thực hiện 19 tiêu chí NTM nâng cao, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn cần huy động lớn; một số chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM nâng cao khi đi vào thực tế có một số nội dung chưa phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, giá cả vật tư tăng nên việc đầu tư từ ngân sách gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sức mạnh toàn dân mà mọi khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ…”, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy thông tin.
Phong Thủy là xã thuần nông của huyện Lệ Thủy, toàn xã có hơn 2.000 hộ với khoảng hơn 8.000 nhân khẩu. Năm 2014, Phong Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM, hiện, địa phương đã “cán đích” 19/19 tiêu chí NTM nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thủy Phạm Hữu Tịnh cho biết, xác định xây dựng NTM nâng cao có tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực, như: Kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh; đồng thời đây là một trong những nhiệm vụ chính trị mang tính cấp bách và lâu dài, không có điểm kết thúc và có nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư lớn. Vì vậy, địa phương đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện bộ tiêu chí xã NTM nâng cao…
Trên cơ sở mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ xã đề ra về xây dựng xã NTM nâng cao, Phong Thủy đã xây dựng kế hoạch, xác định rõ các nội dung công việc cần làm, thời gian, giải pháp, phân công cụ thể trách nhiệm cho các thôn, đoàn thể, đảng viên. Với quan điểm “chậm mà chắc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phong Thủy đã triển khai nhiều giải pháp hướng đến đích xây dựng NTM nâng cao.
Hiện, địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Các trục đường liên xã, thôn, nội đồng được cứng hóa, lắp biển báo, biển chỉ dẫn, đèn chiếu sáng, trồng cây; quy hoạch mở rộng cánh đồng mẫu chuyên sản xuất lúa với diện tích 400ha, canh tác theo hình thức SRI hơn 320ha; huy động gần 7 tỷ đồng xây dựng NTM nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 58 triệu đồng/người/năm…
“Một bộ phận nhân dân ở địa phương vẫn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa thực sự chung tay xây dựng NTM nâng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn thiếu giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đồng bộ; nông sản được sản xuất ra còn mang tính truyền thống, hiệu quả kinh tế chưa cao; lợi thế về mặt điều kiện tự nhiên vẫn chưa được khai thác triệt để nhằm phát triển kinh tế-xã hội…”, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thủy thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao.
Những kinh nghiệm hay
Có thể thấy, thực hiện xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Từ thực hiện phong trào, những kinh nghiệm hay về xây dựng NTM nâng cao sẽ là bài học quý cho các xã khác học hỏi để có hướng đi riêng cho phong trào ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thủy Phạm Hữu Tịnh cho rằng, trước hết, đó là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động,vì đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về kinh kế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Từ đó, hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ và trách nghiệm của từng tổ chức và cá nhân trong xây dựng NTM nâng cao để xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước…
Năm 2023, huyện Lệ Thủy chỉ đạo, lựa chọn 3 xã, gồm: Mai Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Huyện đã hoàn thành thủ tục, nộp hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét, công nhận 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023… |
Bên cạnh đó, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của cấp trên và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của ban chỉ đạo, ban quản lý từ xã đến thôn; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, phân cấp, quản lý, không để tình trạng né tránh, tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” không nóng vội, càng không để mất cơ hội…
Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy Dương Đức Phố thẳng thắn chỉ rõ rằng, phải thực hiện trước chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệp có tiềm lực, tâm huyết với xã nhà; khai thác các nguồn thu tại địa phương “lấy sức dân để lo cho dân” tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước…
Ngoài ra, với Xuân Thủy, xây dựng NTM nâng cao là một quá trình dài, do đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn để có năng lực chuyên sâu; đồng thời tùy vào điều kiện thực tế của nhân dân trên địa bàn để có giải pháp, giải quyết hợp lý các vấn đề đặt ra trong việc thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, gắn chặt nhu cầu đặc điểm cụ thể của địa phương, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá các tiêu chí…