Sóc Trăng: Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở
Sau 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, những vụ việc phức tạp trong nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Để công tác thi hành luật hiệu quả, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở với nhiều nội dung và hình thức. Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp Sóc Trăng hỗ trợ các địa phương tổ chức 161 hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh với 30.280 đại biểu là tập huấn viên cấp tỉnh, tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở tham dự.
Theo ông Ninh Đắc Lực, hòa giải viên Tổ hòa giải ấp An Bình, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), hằng năm Tổ hòa giải ấp An Bình đều cử ông tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Từ đó, ông được cập nhật kịp thời các kiến thức pháp luật mới, phục vụ cho việc hòa giải ở cơ sở.
Để hòa giải viên ở cơ sở có được tài liệu nghiên cứu, vận dụng trong công tác hòa giải, Sở Tư pháp đã biên soạn và cấp phát miễn phí trên 28.000 sổ tay hòa giải ở cơ sở và 9.000 sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; 17.670 tài liệu pháp luật, văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua cho tổ hòa giải và các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh. Việc biên soạn các sổ tay chú trọng nội dung về quy trình thực hiện hòa giải, các tình huống điển hình cụ thể để các hòa giải viên có thể học tập kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn hòa giải các vụ việc cụ thể.
Trình bày phần thi trong Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2023. Ảnh: KIM NGỌC
Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải; đồng thời, phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, năm 2023 UBND tỉnh tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Sóc Trăng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Văn Dương, hòa giải viên Tổ hòa giải ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết: “Tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi của tỉnh, đội chúng tôi biểu diễn tiểu phẩm về các vụ việc tranh chấp thường ngày trong cuộc sống. Trong tiểu phẩm, chúng tôi đã vận dụng tình, lý để hòa giải thành công từng vụ việc. Cái khéo của hòa giải là xóa tan mâu thuẫn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên trong khu dân cư. Qua hội thi, chúng tôi học hỏi được từ các đội bạn cách giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng".
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 23/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Chỉ thị nêu rõ, cần chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; phấn đấu hằng năm có trên 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên... Duy trì và nhân rộng mô hình bí thư chi bộ ấp, khóm đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải; phấn đấu đến năm 2025, có 100% bí thư chi bộ ấp, khóm được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải. Kết quả, hằng năm tỷ lệ hòa giải trên địa bàn tỉnh đều đạt trên 85% và trong 775 ấp, khóm trong tỉnh hiện có 603 bí thư chi bộ ấp, khóm được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải, chiếm 77,8%.
Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Tư tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Thời gian tới, Sở Tư pháp tăng cường củng cố và kiện toàn tổ hòa giải; xây dựng đội ngũ hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở".