Tiếp “lửa” cho tuyên truyền lưu động
Trong một năm lĩnh vực văn hóa với nhiều sự kiện, hoạt động tuyên truyền lưu động (TTLĐ) tiếp tục nỗ lực đưa những “bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc về với người dân ở các vùng quê. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn, hoạt động này đang dần mất đi sức hút, nhiều chương trình dù được chuẩn bị công phu nhưng lại thiếu vắng khán giả.
NỖI BUỒN NHỮNG HÀNG GHẾ TRỐNG
Đối với Đội TTLĐ huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), để có một chương trình mới, hấp dẫn đi phục vụ khán giả là điều không dễ dàng. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, đầu tư cho sáng tác tiểu phẩm, ca khúc đã là một khó khăn lớn, chưa kể chế độ hỗ trợ lực lượng cộng tác viên (CTV) rất thấp. Với mỗi buổi tập luyện, thù lao bồi dưỡng cho mỗi người chỉ có vài chục ngàn đồng. Mới đây nhất, các CTV của huyện tham gia Hội thi TTLĐ về du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bạc Liêu năm 2023 chỉ được hỗ trợ 1 triệu đồng cho hơn 10 ngày tập luyện, thi diễn.
Anh Nguyễn Hữu Trường - CTV Đội TTLĐ huyện Vĩnh Lợi, trải lòng: “Trong năm 2023, đội tổ chức 4 suất diễn ở các xã nhưng hầu hết đều ít khán giả, anh em buồn vì ghế trống rất nhiều. Do kinh phí đầu tư ít nên đa số tiết mục là đơn ca, nếu có nhiều kinh phí thì có thể phục vụ thêm tiểu phẩm, múa minh họa để tạo sự phong phú, hấp dẫn cho người xem. Vì lẽ đó, các CTV không thiết tha tham gia do thù lao quá thấp nhưng phải tốn nhiều công sức và các khoản phí như: đổ xăng, trang điểm…”.
Không chỉ ở các huyện, thực trạng trên còn diễn ra đối với hoạt động TTLĐ của tỉnh Bạc Liêu. Đầu tháng 11/2023, Đội TTLĐ của Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng chặp cải lương “Vị mặn phù sa” tham gia Hội thi Tiểu phẩm tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang. Chặp cải lương được đầu tư về kịch bản, diễn xuất đã đoạt giải cao tại hội thi. Tuy nhiên sau hội thi, tác phẩm không thể đến với khán giả trong tỉnh do không có kinh phí đi biểu diễn phục vụ.
Tiết mục dự thi của Đội Tuyên truyền lưu động huyện Hồng Dân tại một hội thi. Ảnh: H.T
TIẾP SỨC CHO TTLĐ
Từng là “món ăn tinh thần” đặc sắc của người dân nông thôn nhiều năm trước, song chương trình TTLĐ đang bị khán giả quay lưng do thiếu hấp dẫn, không thể cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chính quyền địa phương và những người làm công tác TTLĐ cần xem lại cách thức, nội dung tuyên truyền có còn phù hợp với thời đại, nhu cầu của khán giả.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vĩnh Lợi, chia sẻ: “Muốn giải quyết bất cập thì vấn đề chế độ thù lao cho CTV phải được cải thiện. Dù rất đam mê và nhiệt huyết với công tác này, song họ phải ưu tiên lo cho cuộc sống. Bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách địa phương, hoạt động TTLĐ cần tăng cường xã hội hóa để giảm gánh nặng kinh phí đầu tư cho Nhà nước và có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng”.
Để gỡ khó cho hoạt động TTLĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phan Thanh Duy cho biết: “Trước đây, mỗi lần địa phương tổ chức chương trình TTLĐ là đông nghẹt khán giả đến thưởng thức, nhưng giờ rất khó thu hút. Do đó, các địa phương phải nghiên cứu đổi mới hình thức, sáng tạo nội dung thật hấp dẫn. Chúng ta có thể lồng ghép thêm những hoạt động mang tính chất vui chơi và nhận quà, bởi người dân đến với chương trình không chỉ muốn được thưởng thức văn nghệ. Cùng với đó, Sở VH-TT&DL có kế hoạch đầu tư về con người, chất lượng hoạt động để nâng cao hiệu quả phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình tuyên truyền bằng nghệ thuật ở cơ sở”.
Dù gặp nhiều thách thức trong thực tiễn hoạt động nhưng TTLĐ vẫn có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong việc “tắm tưới” đời sống văn hóa, cổ động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua. Chính vì thế, tiếp sức cho hoạt động TTLĐ là việc cần được làm kịp thời, đúng mức.