Phát triển - Hội nhập

“Trái ngọt” xóa nghèo trên vùng đất biên cương

Bài, ảnh: Sầm Phúc 15/01/2024 - 08:22

Liên tiếp nhiều năm trở lại đây, nông dân tại huyện biên giới Nậm Pồ phấn khởi vì mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Dù mới phát triển mạnh thời gian gần đây, nhưng cây ăn quả đang dần khẳng định vị thế trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao và là sản vật hấp dẫn du khách...




Tiếp chúng tôi tại vườn quýt đường sai trĩu quả, anh Lý Sủ Lảnh, bản Huổi Sâu, xã Pa Tần chia sẻ: Để phát triển kinh tế, năm 2019 qua địa chỉ trên mạng, tôi đã tìm về Trường Đại học Lâm nghiệp tại Hà Nội mua 300 gốc cây giống quýt đường về trồng trên hơn 1ha đất của gia đình. Để vườn quýt sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài đầu tư kinh phí, công sức, anh Lảnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào chăm sóc, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Anh Lảnh đã trực tiếp gọi điện nhờ hướng dẫn của cán bộ Trường Đại học Lâm Nghiệp. Đến năm 2021, vườn quýt đường cho vụ thu bói đầu tiên. Những năm sau, vườn quýt của anh Lảnh sai trĩu cành, quả tròn đều, mọng nước và ngọt, khi bán ra thị trường được người dân ưa chuộng, ủng hộ. Năm nay là vụ thu hoạch thứ 3, ước tính số lượng quả bán ra thị trường khoảng 2 tấn, với giá bán tại vườn 20 nghìn đồng/kg; trừ chi phí mang lại nguồn thu nhập gần 40 triệu đồng.

Ông Quàng Văn Thảnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Để phát triển đa dạng các loại cây ăn quả tiềm năng, giá trị kinh tế cao, huyện đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất và đề ra nhiều giải pháp, chú trọng vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, nhất là các loại cây ăn quả có tiềm năng, giá trị kinh tế cao. Từ đó, mở rộng diện tích và tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ để gia tăng giá trị; thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, chú trọng khâu tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân cải tạo đất vườn, đất đồi, thay thế các loại cây trồng truyền thống, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Đồng thời, cử cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để triển khai phát triển diện tích trồng cây ăn quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cây ăn quả trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường.

Không chỉ những xã vùng thấp, phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Nậm Pồ diễn ra mạnh mẽ đã và đang hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Mô hình trồng cam tại xã Nậm Tin; bí xanh xã Chà Nưa, Si Pa Phìn và dự án trồng cây chanh leo, rau, củ quả an toàn trên địa bàn xã Si Pa Phìn.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển cây ăn quả ở Nậm Pồ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, việc tổ chức sản xuất hầu hết do các chủ thể tự đầu tư, thu hoạch và tự tìm thị trường tiêu thụ; chưa hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất cây ăn quả. Đa phần sản phẩm cây ăn quả được tiêu thụ tại địa phương; thông qua trao đổi, mua bán tại các chợ, cửa hàng, thương lái theo mùa nào quả đó.

Thời gian tới, huyện Nậm Pồ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn, duy trì và phát triển hiệu quả tiềm năng cây ăn quả. Chú trọng chuyển giao, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, như ghép cải tạo cây già cỗi, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt, bọc quả để hạn chế sâu bệnh… Hỗ trợ giống, phân bón thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả gắn với xây dựng nông thôn mới; mở các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng cây ăn quả cho người dân. Từ đó, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Bài, ảnh: Sầm Phúc