Phát triển - Hội nhập

Cây quế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

Xuân Cường 14/01/2024 - 10:41

Mấy năm gần đây, từ chú trọng phát triển mạnh cây quế hữu cơ và bước đầu đã đem lại giá trị kinh tế cao; trở thành cây mũi nhọn giảm nghèo nhanh và bền vững, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số 12 xã khu vực trung và hạ huyện Bắc Hà (Lào Cai), nhất là 3 xã trọng điểm Bản Cái, Nậm lúc và Nậm Đét từng bước cải thiện, nâng cao, có điều kiện vui xuân, ăn tết Nguyên đán cổ truyền Giáp Thìn 2024 sung túc, đầy đủ hơn.

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 này có dịp tới thăm các xã khu vực hạ huyện Bắc Hà thực sự ấn tượng trước đổi thay to lớn đang diễn ra. Dọc tuyến đường đến các xã Cốc Lầu, Nậm lúc, Bản Cái hay đường vào Nậm đét, Cốc Ly bắt gặp những nương đồi, rừng quế xanh ngát, những bản làng trù phú với những ngôi nhà xây mới, những ngôi biệt thự vườn khang trang mọc lên... thể hiện cuộc sống mới ấm no đang dần hiện hữu và cây quế chính là cây mũi nhọn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực hạ huyện thoát nghèo bền vững, vươn lên.

cay-que-1.jpg
Thăm quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình trồng, sản xuất quế hữu cơ hiệu quả tại xã Nậm Lúc, Bắc Hà

Tại xã Nậm Lúc- trung tâm cụm xã khu vực tây nam hạ huyện, cuộc sống đã nhộn nhịp hẳn lên. Nhờ có nguồn thu từ cây quế, nhiều hộ đang khẩn trương làm mới, tu sửa nhà ở khang trang để vui xuân, ăn Tết nguyên đán cổ truyền Canh thìn sung túc hơn. Đây chính là xã điển hình tiêu biểu trong phát triển cây quế hữu cơ ở Bắc Hà. Hiện có tổng diện tích 1909 ha, trong đó trồng mới 60 ha năm 2023, diện tích quế hữu cơ gần 1.100 ha. Xã có 01 hợp tác xã và 13 tổ hợp tác trồng quế tại 10/10 thôn , với 451 thành viên. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân trong xã đã thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế. Năm 2023 thu 25 tỷ đồng từ bán các sản phẩm quế như hạt giống, vỏ quế, hỗ, lá quế... Nhờ cây quế Nậm lúc đã sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập, năm 2022 đạt trên 38 triệu đồng/người/năm.

Gia đình anh Trương Văn Phúc, thôn Nậm Kha2, xã Nậm Lúc có hơn 2 ha quế từ 7- 15 năm tuổi, từ năm 2020, thôn, xã phối hợp với khuyến nông tỉnh và công ty gia vị Sơn Hà-Yên Bái triển khai mô hình quế hữu cơ, gia đình anh Phúc tham gia. Từ trồng quế mỗi năm nhà thu 70- 100 triệu đồng. Năm nay cũng thu hơn 110 triệu đồng từ tỉa cây quế, bán cành, lá quế, trong đó vụ cuối năm này thu ít hơn khoảng 20 triệu đồng để trang trải và mua thêm phân giống, trồng rặm thêm 2000 cây quế hữu cơ. Anh Trương Văn Phúc, thôn Nậm Kha2, xã Nậm Lúc cho biết thêm: “Nhà trồng tầm hơn 2 ha quế từ 7- 15 năm tuổi! từ năm 2020, thôn, xã phối hợp với khuyến nông tỉnh và công ty gia vị Sơn Hà-Yên Bái triển khai mô hình quế hữu cơ thì nhà mình cũng tham gia. Quế là cây trồng chính, nguồn thu chính của nhà và bà con người Dao trong thôn. Làm quế hữu cơ vất vả hơn, đầu tư công sức song ổn định đầu ra, giá thành. Nhà mình trồng quế hữu cơ, thực hiện đúng quy định, không phun thuốc, khi cỏ rậm thì nhà đi phát cỏ quế”.

cay-que-3.jpg
Nông dân Bắc Hà thu hoạch quế tỉa, có tiền mua sắm, ăn tết

Năm 2023, tuy giá thành quế có giảm từ 5-7 ngàn đồng/kg, duy trì ở mức 19- 21 ngàn đồng/kg quế tươi và 46- 48 ngàn đồng/kg vỏ quế khô song đây vẫn ở mức giá cao và người dân vẫn tin tưởng vào cây quế nên cũng như một số xã khác khu vực, bà con nông dân xã Nậm Lúc sống dựa vào cây quế vẫn tập trung vào làm quế hữu cơ và thu hoạch tỉa cây quế để có nguồn thu trang trải cuộc sống nên mặc dù vào dịp cuối năm 2023 và đầu năm mới vẫn có không ít hộ vừa trồng rặm, vừa thu hoạch tỉa bán vỏ quế khô để có thêm nguồn thu mua sắm chuẩn bị ăn tết nên các tiểu thương kinh doanh buôn bán quế tại xã vẫn hoạt động ổn định, chị Trần Thị Nhung, tiểu thương kinh doanh bách hóa tổng hợp và nông- lâm sản tại chợ Nậm lúc cho biết: “Năm nay giá quế có giảm trung bình từ 5-10 ngàn đồng/kg đối với 02 loại vỏ quế tươi và khô song vẫn ở mức khá cao và hiệu quả kinh tế hơn ngô, lúa, sắn... nên bà con vẫn tin tưởng, phấn khởi. Năm nay dân ở xã Nậm lúc và Cốc Lầu, Bản cái vẫn khai thác và bán nhiều! nhà mình thu mua quanh năm cho dân ổn định”.

Cùng với Nậm Lúc và Nậm Đét, Bản Cái là 1 trong 3 xã điển hình tiêu biểu trong phát triển cây quế hữu cơ ở Bắc Hà. Toàn xã có gần 1.500 ha rừng trồng, trong đó diện tích trồng quế khoảng 1.400 ha, trong đó có gần 400 ha quế được công nhận hữu cơ, 700 ha quế đang thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ và chờ công nhận thêm hàng trăm ha. Ông Triệu Tà Chiều, bí thư Đảng ủy xã Bản Cái phấn khởi cho biết hiện bà con nông dân xã Bản Cái đã sản xuất theo quy trình quế hữu cơ dưới sự hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông tỉnh, Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà và cán bộ khuyến nông xã . Cây quế đã và đang đem lại nguồn thu ổn định, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng cao Bản Cái ngày một khởi sắc.

Kết thúc năm 2023, toàn huyện Bắc Hà có tổng diện tích quế 10.471 ha, trong đó, diện tích trên 10 tuổi 1.270ha; diện tích từ 5-10 tuổi 3.806 ha; diện tích nhỏ hơn 5 tuổi 5.011 ha; diện tích trồng mới 384 ha, diện tích được chứng nhận hữu cơ là 2.247 ha tại 03 xã Nậm Đét; Nậm Lúc và Bản Cái.

cay-que-4.jpg
Nhờ cây quế, đời sống bà con người Dao, Mông xã Bản Cái cải thiện,nâng cao, đất nghèo Bản Cái xưa nay đã chuyển mình mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn mới khởi sắc ấm no, trù phú

Đến nay, cây quế được trồng tại Bắc Hà đã trải qua gần 50 năm đã mang lại sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng thấp huyện Bắc Hà. Kết thúc năm 2023, thu nhập từ bán các sản phẩm vỏ, lá, thân cành, hạt và giống quế với sản lượng ước đạt 18.070 tấn, giá trị 216 tỷ 840 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập rất lớn cho các hộ nông dân, không chỉ giúp bà con thoát nghèo, mà còn trở lên giàu có.

Ông Nguyễn Xuân Giang, trưởng phòng nông nghiệp huyện khẳng định quế là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khu vực hạ huyện. Chính vì vậy huyện Bắc Hà đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mở rộng đạt diện tích 11.025ha tại các xã hạ huyện, trong đó tập trung phát triển vùng quế hữu cơ với diện tích trên 2.700ha, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Gắn phát triển vùng nguyên liệu quế với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu vỏ quế, có giá trị gia tăng cao, tạo động lực xây dựng nông thôn mới vùng cao Bắc Hà ngày một khởi sắc.

Xuân Cường