Chính sách tín dụng giúp đồng bào Khmer thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ đồng bào dân tộc Khmer, tạo sinh kế giúp bà con có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
Triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, tại Trà Vinh đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, DTTS và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo... Thực hiện kế hoạch giải ngân năm 2023 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, NHCSXH Chi nhánh Trà Vinh đã giải ngân cho 674 hộ, với số tiền trên 27 tỷ đồng, thu nợ 886 triệu đồng, nâng tổng số dư nợ đến nay hơn 47 tỷ đồng, với 1.036 hộ vay.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự phấn đấu vươn lên của từng hộ dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tạo được những chuyển biến tích cực. Nhờ đó, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS tỉnh Trà Vinh không ngừng được cải thiện, nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn mới ngày khởi sắc.
Ông Thạch Nao, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn (huyện Trà Cú) cho biết: “Ấp Đôn Chụm có hơn 90% số hộ là đồng bào dân tộc Khmer, hộ nghèo còn trên 4%. Những hộ này đều có hoàn cảnh rất khó khăn, do vậy, nguồn vốn vay đã giúp các hộ có điều kiện cải tạo nhà ở, có việc làm ổn định để nâng cao thu nhập, mở ra cơ hội thoát nghèo”.
Điển hình là hộ chị Danh Thị Mỹ Thy, ở ấp Đôn Chụm có hoàn cảnh rất khó khăn, không có vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Năm 2021, nhờ được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ nghèo từ NHCSXH huyện Trà Cú với số tiền 50 triệu đồng, chị Mỹ Thy đã đầu tư thực hiện mô hình mua bò sinh sản và trồng cây màu chuyên canh.
Trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, giá cả thường xuyên lên xuống làm cho kinh tế của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự cần cù lao động, thường xuyên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của chị, cũng như sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, đàn bò ngày một sinh trưởng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Hằng tháng, chị dành khoảng từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng để đóng lãi và gửi tiền tiết kiệm. Bên cạnh việc chăn nuôi và trồng màu, đầu năm 2023, chị Mỹ Thy còn được vay vốn xây dựng nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, với số tiền là 40 triệu đồng. Từ ngôi nhà tranh vách lá đơn sơ, với số tiền được vay, chị xây dựng căn nhà giúp gia đình có chỗ ở ổn định, yên tâm tập trung phát triển kinh tế, từng bước nâng cao mức sống.
Chị Danh Thị Mỹ Thy vui vẻ nói: “Nếu không nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, không biết bây giờ hoàn cảnh gia đình tôi sẽ như thế nào? Tôi nhận thấy chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo của NHCSXH đã thực sự phát huy vai trò, tác động tích cực về mặt đời sống xã hội, có tác động quan trọng đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân nói chung và bản thân tôi nói riêng”.
Tạo sinh kế giúp đồng bào có thu nhập ổn định
Theo ông Dương Huy Phong, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Trà Vinh: “Thực hiện Chương trình MTQG 1719, qua kết quả rà soát, nhu cầu nguồn vốn tín dụng thực hiện chương trình cho giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 là hơn 271 tỷ đồng để đầu tư tập trung vào 3 dự án trọng tâm: Dự án 1, đầu tư giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 85,6 tỷ đồng; Dự án 3, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS, với nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 184 tỷ đồng; Dự án 6, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch với nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 1,7 tỷ đồng”.
Bên cạnh đó, Trà Vinh xây dựng, nhân rộng 16 mô hình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Tỉnh cũng phấn đấu 80% người dân có khả năng lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; tối thiểu 1.600 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững...
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Trà Vinh còn 10.207 hộ nghèo (chiếm 3,56%); trong đó, còn 6.483 hộ nghèo dân tộc Khmer (chiếm 7,19%/tổng số hộ dân tộc Khmer). Trà Vinh đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 giảm hộ nghèo bình quân 0,5%/năm. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 1%/năm; hộ cận nghèo giảm bình quân 1%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Tiếp tục làm chuyển biến đời sống của đồng bào Khmer trong tỉnh, năm 2023, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án, các chương trình với mục tiêu là tiếp tục thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo của tỉnh.