Nông thôn mới - Hành trình chuyển từ lượng sang chất
Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh Quảng Ninh là một hành trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có kết thúc. Bằng tư duy sáng tạo, cách làm đổi mới, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn của tỉnh đã khoác lên mình diện mạo mới, từng bước hướng tới mục tiêu nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Vượt khó để nâng cao tiêu chí
Những ngày đầu khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh phải đối mặt giữa bộn bề khó khăn chồng chất với 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo gần 7,7%; hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đạt thấp. Các chính sách tam nông còn dang dở, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Vòng luẩn quẩn giữa thoát nghèo và tái nghèo vẫn đang tiếp diễn khi tâm lý trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc đã trở thành phổ biến luôn “bám rễ” trong cách nghĩ, cách làm, tư duy của nhiều cán bộ, người dân.
Nhằm tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Đây cũng là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên nhiệm kỳ 2010-2015. Nghị quyết đã thể hiện ý chí, khát vọng của Quảng Ninh là thay đổi bộ mặt nông thôn; xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Nhà nước chỉ làm vai trò hỗ trợ, chủ thể chính xây dựng NTM là nông hộ.
Chương trình xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ; tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu; ưu tiên vốn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho những địa phương thực hiện tốt các tiêu chí không cần đầu tư và địa phương về đích sớm.
Không giống các tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Ninh lựa chọn triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, trao cơ hội về đích NTM cho các xã, tạo động lực thi đua ở tất cả xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc theo quy chuẩn của Trung ương mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí. Ba đột phá chiến lược đã được cụ thể hóa trong xây dựng NTM. Bắt đầu từ khâu quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo và hoàn thành sớm nhất trong toàn quốc.
Ở mỗi giai đoạn, cách làm của Quảng Ninh đều linh hoạt, sáng tạo, không gò bó theo một khuôn mẫu. Nếu ở giai đoạn khởi đầu (2010-2015) tỉnh định hướng xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng NTM là người dân, tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu, tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí; giai đoạn II (2016-2020) tập trung xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến, tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, đầu tư của doanh nghiệp là động lực thì ở giai đoạn III (2021-2025) tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Tỉnh cũng linh hoạt trong điều hành ngân sách, trong đó đã ban hành các quy định phân cấp quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. Nhờ đó, cả giai đoạn 2010-2022, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 233.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2020 là gần 173.000 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 357,8 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2021-2022 là trên 60.800 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 703 tỷ đồng/năm). Riêng năm 2023, tổng huy động nguồn lực xây dựng NTM là 34.040 tỷ đồng.
Đến những miền quê đáng sống
Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, Quảng Ninh rộn ràng, hân hoan, phấn khởi khi hai địa phương miền núi, hải đảo có xuất phát điểm thấp nhất của tỉnh là huyện Ba Chẽ và Vân Đồn đã vinh dự đón nhận huyện đạt chuẩn NTM. Nhờ đó, tính đến hết năm 2023, Quảng Ninh đã có 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Kết quả này có được là một hành trình dài với sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân từ tỉnh đến mỗi địa phương.
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ba Chẽ là huyện miền núi khó khăn của tỉnh với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 80%. Khi ấy, huyện đạt 2,2/19 tiêu chí, 13/39 chỉ tiêu; có 5 xã đặc biệt khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt mức 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là trên 48%.
Thế nhưng với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hỗ trợ của cơ quan, đơn vị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã đoàn kết một lòng, nêu cao quyết tâm, vươn mình mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Song quan trọng hơn hết, người dân Ba Chẽ đang từng ngày biến khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương trở thành hiện thực.
Anh Đàm Văn Triệu, thôn Khe Lọng Ngoài (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ), cho biết: Trước kia cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn, hộ nghèo còn nhiều. Từ khi có chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân đã thay đổi rõ rệt, thôn và xã có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, con em chúng tôi được học hành. Không những thế, hạ tầng đồng bộ, đường sá đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa dễ dàng nên người dân còn chủ động phát triển kinh tế, tìm cách làm giàu, nâng cao thu nhập cho gia đình. Bản thân tôi cũng trồng trên 4.000 gốc trà hoa vàng và chăn nuôi trên 1.000 con gà, đã cho tôi thu nhập ổn định từ 200-300 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi cũng sẽ tìm hiểu, đầu tư, mở rộng trang trại với việc trồng và chăm sóc một số loại cây dược liệu bản địa để phát triển kinh tế gia đình.
Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 7/7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã Lương Mông, Minh Cầm đáp ứng đầy đủ theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; thị trấn Ba Chẽ đạt đô thị văn minh. Huyện đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025; thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/năm. Huyện không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 0,69% theo quy định của Trung ương.
Vân Đồn là một huyện đảo phên dậu, tiền tiêu của Tổ quốc nằm ở phía Đông Bắc; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá đặc sắc. Song giống như Ba Chẽ, huyện Vân Đồn cũng phải đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bởi địa phương có 10/12 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Thế nhưng, bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, linh hoạt trong quá trình thực hiện và những nỗ lực không mệt mỏi, sau 11 năm tập trung triển khai xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn toàn huyện đã đổi thay mạnh mẽ; kết cấu hạ tầng nông thôn cùng với hạ tầng khu kinh tế từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 122,1 triệu đồng/năm, tăng gấp 8,6 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 14,5% xuống còn 0,2% (năm 2021). 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2021 huyện đã hoàn thành 100% các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định của chương trình xây dựng NTM.
Ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, xác định vai trò quan trọng của chương trình xây dựng NTM đối với địa phương, nhất là thực hiện mục tiêu tất cả vì nhân dân, ngay sau khi hoàn thành xây dựng NTM, huyện đã tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, huyện có 7/11 xã đã hoàn thành, đạt chuẩn tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM nâng cao; trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo; có 4/11 xã đã hoàn thành, đạt chuẩn tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, 2 mô hình xã thông minh, 5 mô hình thôn thông minh được hoàn thành. Huyện đã hoàn thành đạt chuẩn 100% các tiêu chí, chỉ tiêu huyện NTM nâng cao. Huyện cũng sẽ hoàn thiện các hồ sơ để đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024.
Những địa phương cuối cùng đã về đích và được công nhận đạt chuẩn đã góp phần hoàn thành bức tranh NTM của Quảng Ninh với gam màu rực rỡ, tươi sáng, đầy phấn khởi. Kết thúc năm 2023, các mục tiêu xây dựng NTM đặt ra trong Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Đặc biệt, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo có 64/64 xã đạt chuẩn NTM, 27/64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10/64 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương. Điểm nhấn quan trọng của bức tranh này mà bất cứ ai có thể dễ dàng nhận thấy đó là người dân đã và đang làm chủ các vùng nông thôn với việc dân biết, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ.
Quảng Ninh đã, đang và luôn nỗ lực để gặt hái những thành tựu kinh tế - xã hội. Ý nghĩa của những thành tựu đó không đơn thuần ở những con số, cân đo, đong đếm, mà quan trọng hơn cả đều vì một mục tiêu duy nhất là nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Đó cũng là cơ sở để có được “vương miện lòng tin" của nhân dân, từ đó xây dựng những miền quê đáng sống, thực hiện mục tiêu nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, kiến tạo một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại với 6 đặc trưng: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc./.
- Có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó: 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 28/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 13/13 địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 4/7 huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó, huyện Đầm Hà là huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao). Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các tiêu chí tỉnh NTM.
- Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng NTM.
- Thu nhập của người dân khu vực nông thôn bình quân đạt trên 73,34 triệu đồng/người/năm.
- Toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương và chỉ còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,22%.
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,3%.
- Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,96%.
- Kết quả các nội dung lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022 đạt mức trên 98,2%.