Nhân lên tình yêu cồng chiêng, múa xoang trong giới trẻ
Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ II vừa kết thúc đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân và du khách. Một trong những điểm sáng tại kỳ liên hoan này là lực lượng trẻ tham gia khá đông, điều đó cho thấy việc trao truyền di sản cồng chiêng, múa xoang đã có tín hiệu tốt.
Dự Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ II có 7 đoàn, với tổng số 242 nghệ nhân, diễn viên. Đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của 6 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân. Đoàn còn lại và cũng là đoàn tham gia lần đầu là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, với lực lượng trẻ và đông đảo gồm 45 học sinh đang học tại trường, tham gia trình diễn cồng chiêng và múa xoang phụ họa.
Đây là nét mới về lực lượng tham gia Liên hoan và cũng là niềm hy vọng vào lực lượng kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Em Đinh Thị Hải Hằng, học sinh lớp 11A4, thành viên của đoàn cồng chiêng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: “Chúng em luôn nghĩ, là thế hệ trẻ cần có trách nhiệm gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình trên quê hương trong thời gian tới”.
Còn Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương bày tỏ: “Trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước, theo tôi đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Những nghệ nhân cao tuổi chính là linh hồn của cộng đồng dân cư trong việc thực hành và truyền dạy văn hóa cồng chiêng, đặc biệt là truyền dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cho lớp trẻ”.
Với lòng nhiệt huyết, sự miệt mài trao truyền di sản của những nghệ nhân, người cao tuổi trong làng, hiếm có nơi nào như làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện miền núi Vĩnh Thạnh hiện có tới 5 đội cồng chiêng, với lực lượng trẻ chiếm đa số. Chị Đinh Thị Oanh (23 tuổi, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn) nói: “Những lúc cùng mọi người trong làng tập trung tại nhà rông để luyện tập chuẩn bị cho lễ hội của làng hay tham gia sự kiện của huyện, tỉnh tổ chức, tôi cùng các bạn trẻ cảm thấy tự hào, thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc Bana K’riêm mình”.
Ở huyện miền núi Vân Canh, ngoài nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa xoang, trống kơ toang là nhạc cụ diễn tấu độc đáo của đồng bào Chăm H’roi hiện còn ít người biết trình tấu, nay cũng đã có nhiều bạn trẻ theo học. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (29 tuổi, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) chia sẻ, từ nhỏ em được mẹ là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương dạy múa xoang, đánh trống kơ toang. Hiện cũng có nhiều bạn trẻ theo học biết đánh cồng chiêng, trống kơ toang, múa xoang và nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương, góp phần gìn giữ vốn quý di sản văn hóa của dân tộc mình.
Nói về tình yêu di sản cồng chiêng, múa xoang đến với lớp trẻ, nhànghiên cứu văn hóa dân tộc Yang Danh bộc bạch: “Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Định còn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của bà con. Minh chứng rõ nhất là năm 2018, tỉnh hỗ trợ 119 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tổ chức nhiều hội thi, hội diễn để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt khơi dậy tình yêu cồng chiêng, múa xoang cho giới trẻ trong cuộc sống hiện nay”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó đang từng bước triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”…
Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa, phát huy vai trò của đồng bào trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh”.
Ông Tuấn cũng mong muốn, các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở các địa phương, đặc biệt lực lượng nòng cốt là giới trẻ, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó đang từng bước triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”… Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa, phát huy vai trò của đồng bào trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
(Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định PHẠM ANH TUẤN)