Diện mạo mới của cây sen, qua các sản phẩm nghệ thuật
“Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm/Ai đi Châu Đốc, Nam Vang/Ghé thăm Đồng Tháp bạt ngàn bông sen”. Câu ca dao mang đậm nét trữ tình ca ngợi vẻ đẹp của sen Tháp Mười. Cắm trong bùn lầy, nhưng sen vẫn tỏa ra một vẻ đẹp của sự thuần thiết, thanh tao. Không những thế, sen còn là mạch nguồn nuôi dưỡng cho cuộc sống và tâm hồn của người dân huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) nói riêng và đồng bằng sông Cửu long nói chung. Bởi thế, thông qua các tác phẩm nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, cây sen đã được khoác lên một diện mạo mới từ sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của những người có tình yêu đặc biệt đối với sen. Từ đó, góp phần nâng cao chuỗi kinh tế đa giá trị của cây sen hồng.
Nằm bên tả ngạn sông Tiền, Đồng Tháp Mười ở miền Tây Nam Bộ trước đây là một khu đầm lầy rộng gần 8.000km2, nước ngập quanh năm, với toàn cỏ, lau dại mọc um tùm. Tận dụng nguồn tài nguyên đa dạng, độc đáo, giờ đây, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã tạo ra nhiều lợi thế để phát triển. Không chỉ là một vựa lúa lớn của tỉnh với hệ thống giao thông thuận tiện, huyện còn là một trong những địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất tỉnh Đồng Tháp.
Bên cạnh những ruộng lúa vàng, hàng cây trĩu quả, sen còn là mạch nguồn nuôi dưỡng cho cuộc sống nhờ củ sen, ngó sen, lá sen và gương sen. Cây sen sau khi thu hoạch về, được tận dụng triệt để sử dụng, qua sự khéo léo của người nội trợ sen được chế biến thành những món ăn ngon.
Khai thức hiệu quả kinh tế từ cây sen, mang lại lợi ích gấp nhiều lần so với trồng lúa, với sự sáng tạo của các nhà thiết kế, cây sen không chỉ được sử dụng đơn thuần như là các món ăn, mà còn có thể chế tạo thành các sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, sữa sen, son sen, thảo dược sen…
Theo thời gian, sen trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào trong cuộc sống. Sen còn là nơi giữ gìn nét văn hóa - nghệ thuật truyền thống. Thông qua các sản phẩm nghệ thuật, cây sen đã có được diện mạo mới, kết thành chuỗi giá trị ứng dụng cao. Cây sen không chỉ mang lại giá trị vật chất, còn có giá trị tinh thần vô giá.
Dưới ánh nắng vàng trên mặt hồ lấp lánh, xen lẫn không gian ngập tràn sắc xanh của lá sen, những bông sen hồng thi nhau vươn cao, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Sen đã là loài cây mang biểu tượng với nguồn cảm hứng đi vào rất nhiều tất cả các tác phẩm nghệ thuật, từ thơ ca, văn học, hội họa đến thủ công mỹ nghệ.
Tại Đồng Tháp cũng có một đơn vị mang cây sen vào trong sản phẩm của mình nhưng theo cách làm khác biệt. Sen không chỉ là hình ảnh được sáng tạo, mà nhờ vào công nghệ sấy khô, các tác phẩm tranh sen 3D, sản phẩm ốp lá sen được ra đời từ hoa và lá sen thật.
Những sản phẩm túi xách với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau, đều được ốp bên ngoài bằng từng chiếc lá sen sấy khô, với màu sắc và cách trình bày bắt mắt. Hay như bức tranh sen 3D, cũng được hoàn thành từ hoa và lá sen thật. Khai thác hình ảnh của sen trong nghệ thuật không phải là mới. Tuy nhiên, đưa sen vào tạo tác nghệ thuật thì tương đối mới lạ, vì sen không chỉ là nguồn cảm hứng, mà đã trở thành một chất liệu mới trong nghệ thuật.
Anh Ngô Chí Công (Thạc sỹ công nghệ hóa - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Khởi Minh Thành Công, TP Cao Lãnh) cho biết: “Đối với nguyên liệu sử dụng cho những bức tranh là hoa sen sấy khô, chúng tôi đã dùng công nghệ bảo quản hoa tiên tiến hiện nay, để giữ được hình dạng, fom dáng, màu sắc và độ mềm mượt của hoa. Chúng tôi đã ứng dụng trong hoa sen và lá sen vào trong các sản phẩm. Ngoài tranh 3D còn có tranh 2D, tranh thư pháp và các sản phẩm từ nguyên liệu sen như nón lá sen, túi giấy lá sen, sổ tay.v.v . Ngoại trừ màu xanh tự nhiên còn có màu trắng, đỏ, vàng, cam, xanh dương, v.v. tùy theo nhu cầu của khách và mình có thể tạo ra được một số màu sinh động, đa dạng và vui mắt. Dùng chất liệu từ cây sen sẽ kích thích sự sáng tạo của các nhà thiết kế, để thông qua nghệ thuật, sen có thể đi vào cuộc sống”.
Dù không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, nhưng để tạo nên sản phẩm có tính nghệ thuật thì người thợ cũng phải có sáng tạo trong sắp xếp từng chi tiết, để tạo sự hài hòa trong bức tranh. Sự cảm nhận tinh tế sẽ giúp cho những đóa hoa sen trở nên sống động, chân thực hơn và có sự hài hòa về mặt tổng thể, giúp tạo ấn tượng và mang đến cảm xúc cho người thưởng thức.
Chị Lê Thị Quỳnh Như, một người sáng tạo tranh nghệ thuật chia sẻ: “Để có một bức tranh đẹp, mình phải lựa từ thân sen, lá sen những kích thước phù hợp với bức tranh. Một bức tranh sen tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại cần độ tỉ mỉ, chính xác rất cao”.
Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi được ốp thêm lá sen bên ngoài đã mang một diện mạo mới sang trọng và ấn tượng hơn rất nhiều. Đặc biệt, với nhiều màu sắc đa dạng cũng đã góp phần tạo nên nét độc đáo, riêng biệt cho những sản phẩm quen thuộc. Nhìn đơn giản, nhưng cần sự tập trung, quen việc và sự cẩn thận trong từng khâu thực hiện, để không bị dính lan màu lẫn nhau.
Nhờ vào ý tưởng mới lạ của người sáng lập, chất liệu sen đã trở thành một chất liệu mới trong sáng tạo nghệ thuật. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ giúp tạo ra những giá trị mới cho cây sen, mà qua đó cũng góp phần tạo nên các tác phẩm có giá trị ứng dụng cao, đưa hình ảnh cây sen thuần khiết, hồn hậu, đi vào cuộc sống. Qua đó, nâng tầm giá trị và tính ứng dụng cao cho chất liệu sen sấy khô, đồng thời lan tỏa thông điệp giữ gìn văn hóa của Việt Nam ra thế giới.