Rỗi việc lúc nông nhàn, người phụ nữ Ba Na tại tỉnh Bình Định lại miệt mài bên khung cửi để học và dệt ra những tấm thổ cẩm đầy sắc màu cho mình và gia đình.
Làng Hà Văn Trên thuộc huyện Vân Canh (Bình Định) có tổng diện tích khoảng 700 ha, có 103 hộ và 392 nhân khẩu. Người Ba Na lại làng đa số là những hộ nghèo, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhưng ông trời lại phú cho người phụ nữ Ba Na tại làng Hà Văn Trên đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tế để tạo ra những sản phẩm vải dệt thổ cẩm sắc xảo với đường nét đẹp nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo mang nét đặc trưng người Ba Na. Đa số phụ nữ Ba Na đều biết dệt thổ cẩm, sợi dệt lấy từ nguồn nguyên liệu sẵn có, cùng kỹ thuật dệt được truyền lại từ nhiều đời nay của người Ba Na. Dệt thổ cẩm ngày nay không chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình mà đã thành nghề truyền thống, tạo thu nhập ổn định cho một số gia đình Ba Na. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn không được phát triển để sản xuất với quy mô lớn... Làng Hà Văn Trên có nhiều nghệ nhân với trình độ tay nghề cao như Đinh Thị Bông, Đinh Thị Kem, Đinh Thị Kính...là những nghệ nhân có tâm huyết với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Ngày nay, những nghệ nhân làng nghề đã phát huy ngành nghề truyền thống, sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm nghệ thuật vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Vào mùa nông nhàn, tại căn nhà rông của buôn làng, những phụ nữ Ba Na lớn tuổi sẽ chỉ bảo, truyền đạt cho lớp trẻ cách để tạo những mảnh thổ cẩm màu sắc bắt mắt nhưng hài hoà. Ngày trước, nguyên vật liệu dệt vải thổ cẩm trang phục cộng đồng người Ba Na được làm từ vỏ cây, bông trên rừng; màu nhuộm tự nhiên. Tuy kỳ công nhưng thành phẩm dễ phai màu. Trải qua nhiều đời, phụ nữ Ba Na dần đã biết tách sợi dệt làm 2, nhúng vào nước gạo, sáp ong… tự nấu rồi phơi thật khô sao cho sợi dệt không được xù lông mới đưa lên khung, bắt đầu dệt. Chất lượng thổ cẩm đã thay đổi rõ rệt. Cộng đồng người Ba Na tại làng Hà Văn Trên nhất là phụ nữ, họ luôn mong muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống thành một làng nghề để giữ gìn nét đẹp đặc trưng của quê hương. Từ đó xóa đói, giảm nghèo, cuộc sống ấm no.
Nguyễn Gia - Dũng Nhân