Glar quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất
Để giúp người dân phát triển kinh tế, xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp lồng ghép các chương trình MTQG, liên kết sản xuất và đào tạo nghề, tiếp cận vay các nguồn vốn...
Xã Glar có 9 thôn, với 2.428 hộ dân, 9.850 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 98% dân số toàn xã. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp với những loại cây trồng chính như: gần 2.000 ha cà phê, 809 ha lúa (lúa vụ Đông Xuân 189 ha, lúa vụ mùa 620 ha), 103 ha cây ăn quả, 253 ha cao su và một số cây trồng khác; phát triển chăn nuôi với khoảng 2.200 con bò, hơn 3.600 con heo, gần 300 con dê và trên 10.000 con gia cầm...
Để giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công thành viên phụ trách giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Đồng thời, UBND xã đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 6 hộ nghèo vay 280 triệu đồng, 14 hộ cận nghèo được vay 650 triệu đồng để sản xuất; hỗ trợ 2 con heo giống nhằm sinh kế cho hộ nghèo; Phối hợp với trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 3 lớp nghề (Hàn, chăn nuôi, may) với 100 học viên; phối hợp Trường Cao đẳng nghề Gia Lai, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh mở phiên giao dịch việc làm và có 250 người tham dự buổi tư vấn, sau đó có 2 em đăng ký học Điều dưỡng, 7 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tìm việc làm; giải quyết kịp thời các chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo (cấp thẻ BHYT, chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập...); hỗ trợ xóa 3 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở…
Năm nay gia đình ông Blỗh-làng Groi Wêt được đón Tết trong căn nhà mới như một giấc mơ vậy. Ông Blỗh-cho hay: Trước đây, căn nhà nhỏ của gia đình xuống cấp, thường xuyên bị dột nước vào những ngày mưa, nhưng do thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên việc xây nhà đối với gia đình bà chỉ là mơ ước.
Cuối năm 2023, gia đình được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ xây cho nhà “Đại đoàn kết”. Căn nhà có diện tích xây dựng hơn 32m2 với tổng kinh phí trên 60 triệu đồng.
“Gia đình được quỹ “Vì người nghèo” huyện hỗ trợ 30 triệu đồng, cộng với khoản tiền gia đình dành dụm, mượn người thân được 30 triệu đồng và bà con trong làng phụ giúp ngày công, gia đình bà đã có căn nhà vững chãi để an cư”-ông Blỗh vui vẻ nói.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban nhân dân thôn, Mặt trận, các Hội, đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát triển sản xuất. Đồng thời, vận động người dân liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 hợp tác xã (HTX), gồm: HTX Nông nghiệp Glar; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh; HTX Chanh leo HAPACO, HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar.
Ông Uê-Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Glar-cho hay: “Hiện tại, HTX đang liên kết với 100 hộ dân, sản xuất 195 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C ở xã Glar. Chúng tôi đã liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê 4C từ năm 2015. Khi liên kết, bà con nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cà phê. Sản xuất cà phê 4C theo bộ quy tắc kỹ thuật hướng dẫn, năng suất đạt 4-5 tấn nhân/ha, còn làm theo phương pháp cũ chỉ khoảng 2-3 tấn. Đặc biệt, khi thu mua, Công ty có cộng thưởng cao hơn giá thị trường khoảng 100-300 đồng/kg nhân”.
Còn Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh-cho hay: để giúp các thành viên HTX và người dân xã Glar, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy sản xuất cà phê sạch bền vững, canh tác lúa nước, chanh dây theo hướng hữu cơ, HTX đã hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.
Qua 3 năm triển khai, HTX đang liên kết với gần 500 hộ dân (trên 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Quy trình canh tác kỹ càng theo định hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch đã giúp người dân giảm chi phí đầu tư 10-15 triệu đồng/ha. Chúng tôi hướng tới sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Glar và các xã lân cận để để dần thay đổi tư duy của người sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến cà phê chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Trao đổi với P.V, ông Sing-Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: Thời gian qua, Cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, Hội đoàn thể của xã đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, tập trung thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ điều kiện sản xuất cho người nghèo, cận nghèo và hộ vừa thoát nghèo; đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chuyển đổi cây trồng, tái canh cà phê; thực hiện tốt cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, kết nối tiêu thụ sản phẩm…“Đầu năm 2023, toàn xã có 105 hộ nghèo (chiếm 4,37%), 149 hộ cận nghèo (chiếm 6,2%).
Đến cuối năm 2023, toàn xã đã có 18 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, giảm hộ nghèo toàn xã xuống còn 87 hộ (chiếm 3,58%), hộ cận nghèo là 150 hộ (chiếm 6,18%). Xã phấn đấu năm 2024 sẽ cố gắng giảm thêm 38 hộ nghèo theo chỉ tiêu UBND huyện giao”-ông Sing thông tin thêm.