Hỗ trợ lao động người dân tộc thiểu số
Lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS) đến sinh sống và làm việc tại Đồng Nai khá đông, phần lớn đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, việc quan tâm, chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động này cần được quan tâm nhiều hơn.
Đó là đánh giá của các đại biểu tại hội thảo Lao động người DTTS di cư đến Đồng Nai, thực trạng và giải pháp do UBND tỉnh tổ chức mới đây.
Đời sống lao động người DTTS còn nhiều khó khăn
Theo Ban Dân tộc tỉnh, Đồng Nai hiện có hơn 29 ngàn lao động là người DTTS làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đa số họ sống tập trung tại khu nhà trọ gần các khu công nghiệp. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chăm lo cho đồng bào DTTS bằng nhiều chính sách hỗ trợ để người lao động (NLĐ) yên tâm làm việc. Trong đó, ngoài tạo việc làm ổn định, chính quyền địa phương vận động các chủ nhà trọ hỗ trợ giá thuê trọ và giá điện theo khung giá quy định. Các chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, đời sống văn hóa sinh hoạt của NLĐ được đảm bảo.
Lao động di cư đến Đồng Nai góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý nhà nước về dân cư, chỗ ở, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa. Trong khi đó, lực lượng lao động này mang tính thời vụ, thường thay đổi và không ổn định nên khó khăn trong quản lý về an ninh trật tự. Một số lao động di cư hạn chế ngôn ngữ, không có tay nghề và ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, còn mang tâm lý tự ti dân tộc, dễ bị tác động.
Tham luận về chủ đề thực trạng người DTTS di cư đến Đồng Nai hiện nay tại hội thảo, GS-TS Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc chia sẻ, việc di cư của lao động DTTS đến Đồng Nai vì mục đích kinh tế, tìm việc làm ngày càng gia tăng do địa phương có nhiều khu công nghiệp. Song áp lực về chỗ ở cho lao động di cư đã gây ra tình trạng quá tải trên địa bàn tỉnh. Kéo theo đó, hàng loạt vấn đề như: Lao động DTTS trình độ hạn chế, nghề nghiệp chưa qua đào tạo, tình trạng tảo hôn, sinh con nhiều, điều kiện sinh hoạt, việc học tập của trẻ em chưa đảm bảo… Thêm vào đó là sự xuất hiện tệ nạn xã hội, các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh trật tự...
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích thực trạng đối với lao động di cư là người DTTS. Trong đó, vấn đề ngôn ngữ và văn hóa gây khó khăn trong giao tiếp và làm việc hiệu quả. Ngoài ra, điều kiện sống không đảm bảo, NLĐ đối mặt với việc sinh hoạt trong các khu nhà tạm xuống cấp và việc hiểu biết pháp luật lao động hạn chế. Việc thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế làm gia tăng rủi ro cho sức khỏe và an toàn của NLĐ.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Bàn về các giải pháp đảm bảo an sinh cho lao động DTTS di cư trên địa bàn Đồng Nai thời gian tới, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cho rằng, để giải quyết vấn đề lao động di cư, đặc biệt là lao động người DTTS, tỉnh cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó có hệ thống số liệu quốc gia là lao động người DTTS. Đây là vấn đề quan trọng, bởi hiện nay thiếu thông tin số liệu gây khó khăn cho việc thiết kế và thực thi các chính sách về di cư và giảm nghèo ở vùng DTTS.
Đi kèm với đó, cần có chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Đây là vấn đề còn nhiều bất cập hiện nay khi lao động di cư hầu như chưa được đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với việc làm ở nơi đến, mà chủ yếu làm theo kinh nghiệm của người đi trước. Rất ít lao động được tiếp cận hiệu quả với chương trình đào tạo nghề có liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ra, vấn đề ngôn ngữ, thiếu hiểu biết cũng khiến họ bị mất quyền lợi, thiệt thòi trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp.
GS-TS Trần Trung cho hay, để quản lý tốt và đảm bảo quyền lợi hài hòa về lợi ích của lao động DTTS, Đồng Nai cần có các giải pháp đồng bộ để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, bởi hiện nay có tới 70% số lao động di cư không biết về quyền lợi cơ bản của mình. Đồng thời, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Ngoài ra, cần có biện pháp xây dựng hệ thống giám sát lao động di cư sát sao hơn, từ đó lồng ghép các chính sách chăm lo, hỗ trợ phù hợp.
Theo TS Cao Minh Công, Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường đại học Kiểm sát Hà Nội, điều kiện kinh tế, việc làm, kế sinh nhai, thu nhập ở quê khó khăn đã thúc đẩy lao động DTTS đi tìm việc làm ở những nơi có khu công nghiệp, trong đó có Đồng Nai. Do đó, lao động di cư cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các chính sách phát triển của Chính phủ. Địa phương cần quan tâm đào tạo nghề cho NLĐ để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động và giảm thiểu rủi ro trong quá trình di cư. Các chương trình cần lồng ghép trong đào tạo việc làm, định hướng nghề nghiệp, phát triển lực lượng có tay nghề cao.
Để chăm lo tốt đời sống lao động người DTTS cũng như đảm bảo việc làm, giúp họ hòa nhập tốt môi trường mới, Đồng Nai cần có chương trình, đề án xây dựng điểm tựa đối với đồng bào dân tộc ở những vùng kinh tế mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý di dân, ổn định địa bàn nơi sinh sống mới của lao động người DTTS. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách di cư nhằm đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo sự ổn định đời sống của NLĐ và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.