Đời sống xã hội

Gìn giữ văn hóa Mường trong trường học

Vy An 06/01/2024 - 20:43

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong đó có Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, những năm qua các trường học trên địa bàn huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền dạy bản sắc văn hóa DTTS cho học sinh, góp phần lan tỏa, bồi đắp tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống.

Có mặt tại buổi ngoại khóa “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc” tại Trường THCS Võ Miếu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy học sinh thuần thục trong từng điệu múa, tay gõ cồng chiêng vang vọng khắp sân trường và được xem các em giới thiệu rất chi tiết về từng vật dụng, công cụ lao động sản xuất, ẩm thực truyền thống của đồng bào mình.

Với 52% là học sinh người DTTS, Trường THCS Võ Miếu đã luôn quan tâm giảng dạy, giáo dục học sinh về những giá trị văn hóa, truyền thống các dân tộc ở địa phương thông qua việc giảng dạy về văn hóa, phong tục, tập quán, tổ chức truyền dạy diễn xướng dân gian, hát Ví, cồng chiêng, đâm đuống... trong nhà trường.

Em Hà Huyền My – học sinh lớp 9B, Trường THCS Võ Miếu chia sẻ: “Em rất vui vì qua các buổi ngoại khóa em được gặp gỡ các nghệ nhân, những người lưu giữ, truyền dạy các điệu múa, bài hát... của đồng bào mình để thế hệ trẻ như chúng em được tiếp nối, thêm yêu và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo”.

117d5135453t3484l9-img-9996.jpg
Học sinh Trường THCS Võ Miếu tìm hiểu về ẩm thực trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Để triển khai các nội dung về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống DTTS, các trường học trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các DTTS khác lồng ghép vào hoạt động giảng dạy trong một số môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Âm nhạc... và các hoạt động ngoại khóa như: Tìm hiểu về trang phục truyền thống, kiến trúc nhà sàn, các trò chơi dân gian, các nhạc cụ dân tộc... từ đó giúp học sinh tiếp cận văn hóa truyền thống một cách sinh động, cụ thể, rõ nét hơn.

Tập trung đông con em đồng bào DTTS học tập, nhiều năm qua Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn luôn xác định việc giáo dục tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Cô giáo Đinh Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã tổ chức các hoạt động sưu tầm, bảo quản di sản văn hóa vật thể, giao lưu ẩm thực, giao tiếp ngôn ngữ... đồng thời duy trì việc cho học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ hai hằng tuần và các buổi hoạt động ngoại khóa, các ngày lễ trong năm, tổ chức các hội thi trang phục, văn nghệ truyền thống... qua đó, giúp học sinh được tiếp cận đa dạng các bản sắc văn hóa vùng đồng bào DTTS”.

117d5135433t681l6-img-0112.jpg
Các trò chơi dân gian như: Đi cà kheo, bịt mắt đánh trống... được duy trì trong các trường học.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 30 câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân tộc được duy trì và sinh hoạt đều đặn trong các trường học, mỗi CLB có khoảng 20 thành viên là các thầy cô giáo, học sinh cùng tham gia. Bên cạnh đó, nhiều trường học đã vận động phụ huynh, người dân ủng hộ các đồ dùng, công cụ lao động... để mở rộng góc học tập gắn với trưng bày không gian văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác trong khuôn viên nhà trường. Đồng thời, tổ chức những buổi học ngoại khóa tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, mời các các nghệ nhân trong xã truyền dạy những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của người Mường, người Dao...

117d5130908t6648l9-img-0133.jpg
Thông qua các buổi ngoại khóa giúp học sinh thêm yêu và tự hào về những nét văn hóa độc đáo của đồng bào mình.

Có thể thấy, việc lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa đã nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu văn hóa và nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025.

Vy An