Dệt thổ cẩm, dệt ước mơ
Rất nhiều phụ nữ chăm chỉ, hay làm, giữ bí kíp nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã và đang ngày đêm dệt nên những sản phẩm đẹp. Hơn thế, họ còn dệt ước mơ để giúp những sản phẩm ấy vươn xa, đến tay người tiêu dùng, tạo dựng thương hiệu.
Thổ cẩm góp phần phát triển kinh tế
Lai Châu là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song từ trong nhiều bản làng, có những người con giàu nghị lực. Chị Đèo Thị Hạnh, người phụ nữ dân tộc Thái ở Mường So, huyện Phong Thổ là một trong những người như thế. Chị không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người mà còn mang thổ cẩm Mường So xuất ngoại. Những tháng cuối năm, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Trường Sinh ở bản Tây An, xã Mường So thật bận rộn.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Đèo Thị Hạnh không giấu nổi niềm vui khi thấy cơ sở đang ăn nên làm ra và đời sống người lao động không ngừng cải thiện. Là người dân tộc Thái, trước kia chị Hạnh và nhiều phụ nữ khác chỉ biết hằng ngày lên nương rẫy trồng lúa. Những khi mùa màng xong, rảnh rỗi chị chẳng biết làm gì để kiếm thêm thu nhập.
Vốn có sở thích dệt thổ cẩm, đan móc ren từ thuở nhỏ, nên chị được Hội Phụ nữ động viên khuyến khích và Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện giúp đỡ, chị là một trong số những phụ nữ dân tộc đầu tiên nơi vùng cao Phong Thổ đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để mua máy móc, nguyên liệu mở một xưởng dệt, thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Trường Sinh. Vải dệt ra không chỉ bán cho các thương nhân xuất đi nước ngoài mà còn được đưa về các gia đình trong xã để thêu và làm hàng may mặc.
Chỉ sau mấy năm vay vốn Hạnh đã tạo việc làm thường xuyên tại chỗ cho 16 lao động và từ 50 - 55 lao động gia công hàng dệt, đan, trong đó hầu hết là phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo ở xã Mường So. Chị Hạnh đã giao từng công đoạn sản xuất cho chị em trong xưởng, trong từng tổ phụ nữ dệt thành từng mảng, sau khi dệt xong, chị trực tiếp kiểm hàng và nhập lại cho bộ phận lắp ráp thành phẩm.
Riêng cá nhân chị Đèo Thị Hạnh không những kinh tế gia đình khá giả, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của toàn quốc, mà còn có niềm vui là đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều chị em trong thôn bản và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ tiền vay không tính lãi với bà con xung quanh để cùng chung sức vượt nghèo khó, ổn định đời sống nơi vùng cao.
Hay như Tổ thêu dệt thổ cẩm xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) với 17 phụ nữ thành viên người Mông cũng đã và đang tích cực xây dựng thương hiệu thổ cẩm ở nơi đây. Được biết, Tổ thành lập từ năm 2018, đã tích cực gìn giữ bản sắc nghề dệt, thêu ở địa phương, gìn giữ nét đẹp người vùng cao.
Bà Sùng Thị Dính - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sùng Phài, chia sẻ: “Hiện tại, tổ có 9 thành viên tham gia mở gian hàng bán thổ cẩm tại chợ trong xã, các thành viên còn lại tự may thêu ở nhà và cuối tuần mang xuống chợ San Thàng bán. Mỗi năm tổ bán được hơn 100 bộ váy, trừ chi phí thu nhập hàng trăm triệu đồng. Qua đó, giúp hội viên phụ nữ có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống gia đình”.
Huyện Than Uyên (Lai Châu) có nghề dệt thủ công tồn tại cả trăm năm, nổi bật tại bản Nà Cang, xã Mường Khoa. Mỗi du khách đến Nà Cang sẽ được trải nghiệm bên những chiếc khung cửi dệt vải thổ cẩm bởi người Thái coi những sản phẩm dệt thổ cẩm là một phần trong đời sống tinh thần.
Trước đây sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng. Nhưng kể từ khi Hợp tác xã dệt thổ cẩm Than Uyên được thành lập, những người phụ nữ thạo nghề ở xã Mường Cang được đưa vào Hợp tác xã để sản xuất. Từ đó sản phẩm của người dân nơi đây được mở rộng và đa dạng hóa, bán cho du khách, qua đó vừa góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân quanh vùng.
Cần thêm sự giúp đỡ trong khởi nghiệp
Trên cả nước còn nhiều người phụ nữ có “bàn tay vàng” với tâm huyết và niềm đam mê, đã đưa thổ cẩm truyền thống xuất ngoại. Có thể kể đến bà H'Ler Êban (48 tuổi) buôn Kniêt, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Sản phẩm của bà đã được nhiều khách hàng trong nước và Việt kiều ở Mỹ, Canada, Phần Lan… Hay nghệ nhân Ván Thị Chi, ở xã Tân Thịnh, huyện Quang Bình (Hà Giang), đã đưa sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn đến với khách trong và ngoài nước, giúp nhiều người có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Trong căn nhà nhỏ truyền thống ở thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, người phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, với gương mặt phúc hậu đang miệt mài những đường kim mũi chỉ cho công đoạn cuối cùng của bộ trang phục dân tộc truyền thống. Nghệ nhân Ván Thị Chi kể: “Nghề dệt thổ cẩm là một đặc trưng văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của dân tộc Pà Thẻn vùng cao. Năm 12 tuổi tôi được mẹ chỉ dạy nhận biết thế nào là khung cửi, cách thêu hoa, tạo hình hoa văn trên thổ cẩm truyền thống. Năm 16 tuổi, biết dệt thành thạo các loại hoa văn khó. Rồi tôi tự tay thêu, dệt được những bộ trang phục dân tộc truyền thống với khăn đội, váy, áo...”.
Hiện nay, nghệ nhân Ván Thị Chi cũng có một nỗi băn khoăn, nhiều thanh niên không biết đến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình. Nhận thấy nguy cơ mai một nghề truyền thống của ông cha, bà đã mở lớp và truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày nay. Những người già trong bản hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn giờ không còn nhiều.
Bà Chi mong có thêm người giúp đỡ, cố gắng tìm tòi, lưu giữ được càng nhiều kiến thức thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau. “Điều này cũng cần sự chung tay, hỗ trợ của những người hiểu nghề, và chính quyền”, bà Chi nhấn mạnh.
Ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) có chị Phạm Thị Y Hòa miệt mài chắp cánh cho sản phẩm dệt ở nơi đây vươn xa. Những năm còn đi học, Y Hòa vẫn cần mẫn dệt thổ cẩm rồi đem đến chợ trung tâm xã, huyện để bán. Học hết phổ thông, chị mất rất nhiều năm theo đuổi ngành Y và sau đó chuyển qua ngành Giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, đến khi cầm tấm bằng thì chị cảm thấy bản thân không còn phù hợp nên quay về làng bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng nghề dệt thổ cẩm. Năm 2018, Y Hòa chuyên tâm vào nghề dệt và sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình ra với thế giới.
Để được đông đảo khách hàng đón nhận, yêu mến bên cạnh tạo ra các dòng thổ cẩm truyền thống Hrê, Y Hòa còn tìm cách để cách tân nhiều mặt hàng có màu sắc đẹp, bắt mắt, hiện đại hơn. Y Hòa mày mò để đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ quần áo, khăn, khố mà còn có túi xách, cà vạt, áo dài, trang phục đám cưới, đồng thời chú tâm truyền thông, quảng bá, chỉn chu hình ảnh khi đăng tải các sản phẩm mới của mình.
Mặc dù đã gặt hái được nhiều thành công, song chị Y Hòa vẫn khiêm tốn nói rằng mình còn phải cố gắng hơn nữa. Chị cũng mong Nhà nước, các cấp chính quyền có thêm chính sách hỗ trợ những phụ nữ dân tộc khởi nghiệp, nhất là những người khởi nghiệp, gìn giữ nghề thổ cẩm truyền thống.
Chuyện truyền nghề, giữ nghề dệt, giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo khách thập phương là điều chẳng hề đơn giản trong cuộc sống. Song các nghệ nhân, người yêu thổ cẩm vẫn có ước mơ đưa sản phẩm đến tay người dùng trong và ngoài nước. Họ cũng đã phát huy nét riêng độc đáo của mỗi sản phẩm không chỉ có giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ mà còn là nét đẹp, biểu tượng văn hóa của dân tộc. Các chị em của hợp tác xã đang là những người đi tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố đã định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở sản xuất tập trung vào các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch. Cùng với đó, khuyến khích, định hướng cho các cơ sở sản xuất phấn đấu phát triển các sản phẩm dệt thủ công trở thành sản phẩm OCOP, nhằm biến di sản thành tài sản.
Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho chính người dân, quảng bá nét đặc sắc văn hóa trong trang phục đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Song, người dân cũng mong sự hỗ trợ được kịp thời, có trọng tâm, tránh dàn trải, lãng phí.