Phát triển - Hội nhập

Phát triển nghề dệt khăn choàng gắn với phát triển du lịch ở Đồng Tháp

Ái Vân 05/01/2024 - 15:24

Chiếc khăn rằn gắn với hình ảnh của người dân Nam Bộ, là biểu tượng đặc trưng của người dân vùng sông nước. Hình ảnh chiếc khăn rằn đã đi cùng với chiều dài truyền thống văn hoá, đánh dấu những thời khắc lịch sử. Đặc biệt trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, chiếc khăn có sức sống bền bỉ, hiển diện trong đời sống hôm nay như một hành trình tiếp nối đầy ý nghĩa.

Ngày 8/5/2023, Nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia về nghề thủ công truyền thống. Đây là động lực cho người dân xã Long Khánh A thêm yêu nghề, tiếp lửa cho các thế hệ trẻ đam mê với chiếc khăn rằn Nam Bộ, góp phần quảng bá hình ảnh của Hồng Ngự đến với du khách gần xa.
Chiếc khăn rằn đã có từ rất lâu đời, có mặt ở nhiều nơi trong khu vực Tây Nam Bộ. Khăn rằn được ông bà xưa sử dụng phổ biến trong đời sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Chiếc khăn mộc mạc, gần gũi với người dân lao động, qua thời gian đã trở thành nét đẹp văn hoá trong trang phục của người dân miền sông nước.

398-202401051010431.jpg
Những cuộn chỉ to được chia ra búi nhỏ, đem nhuộm rồi mang lên giàn phơi ở xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Khăn thường có hai màu trắng, đen. Hai màu này tạo thành những ô vuông nhỏ đan xen, chạy dọc chạy ngang khắp mặt khăn, khăn có chiều dài khoảng 1,2 m, rộng chừng 40 đến 50cm, không cầu kỳ rực rỡ mà rất bình dị.
Ban đầu, khăn được dệt thủ công bằng tay, nên tạo hoạ tiết karo đơn giản, dễ dệt. Về sau, bên cạnh dệt thủ công đã có khung dệt máy, ngoài hai màu sắc trắng, đen truyền thống, thì nay khăn rằn còn được phối màu lạ mắt với màu hồng, xanh, đỏ và tuỳ thị hiếu của khách du lịch mà sản phẩm cũng có nhiều kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên hoạ tiết caro truyền thống vẫn chiếm vị trí độc tôn cho đến ngày nay.

Để làm ra chiếc khăn choàng hoàn chỉnh, thợ dệt tốn rất nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn từ việc xả những cuộn chỉ lớn thành búi nhỏ, cho chỉ vào nồi nhuộm rồi mang lên giàn phơi, sau đó lên bột hồ cho chỉ, quấn chỉ vào thoi đưa lên khung dệt, dệt thành những tấm khăn hoàn chỉnh nối liền nhau, sau cùng là cắt khăn thành những chiếc khăn lẻ.

398-202401051010432.jpg
Thợ dệt choàng ở xã Long Khánh A đang dệt bằng khung máy dệt

Đến nay, những người trẻ tuổi của Làng nghề dệt choàng ở Long Khánh còn đam mê với nghề rất ít, trong đó phải kể đến chị Đinh Thị Kim Hạnh. Trước đây chị Hạnh học Dược rồi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc ổn định và an nhàn, nhưng với điều kiện của gia đình, chị lại có hứng thú với nghề dệt choàng, nên chị đã từ bỏ công việc ở Thành phố, về quê cùng mẹ phát triển nghề dệt khăn choàng và làm du lịch.

Chị Hạnh cho biết: “Sống ở quê cuộc sống nhàn nhã, ít bon chen hơn ở thành thị, bù lại thu nhập ở quê không bằng ở thành phố. Hiện nay, mỗi sáng ra là mình đứng dệt máy, có tua du lịch thì mình lại dệt bằng tay, để cho khách tham quan trải nghiệm khung dệt ngày xưa nó ra sao, cũng có thể cho du khách trải nghiệm thử dệt. Nhưng hầu như chỉ có mình dệt cho du khách xem thôi, chứ dệt máy thoi đi nhanh sợ gây ra nguy hiểm cho khách.
Còn những mẫu mã khăn choàng, sau này đã được cải tiến nhiều về chất liệu, màu sắc, ban đầu mình cũng không biết may các sản phẩm như túi xách, nón… nhưng sau này cứ phát triển dần, mình thuê người may túi xách, nón, khăn đội đầu, cà vạt”.

Ông Phạm Thanh An, Giám đốc HTX Dệt choàng Long Khánh, huyện Hồng Ngự, chia sẻ: “Khi làng nghề được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể, là người con của Long Khánh tôi thấy rất vui và tự hào, làng nghề của mình được công nhận là di sản sau này sẽ được nhiều người biết tới, thậm chí người nước ngoài cũng sẽ biết đến làng nghề của mình”.

Di sản văn hoá là tài sản quý báu, mang đậm nét đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc. Trải qua hơn 100 năm, nghề dệt choàng đã chứng minh vai trò quan trọng cho sự phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và đời sống tinh thần của người dân địa phương, là tài nguyên quý báu, góp phần làm nên hình ảnh của một quốc gia, dân tộc, nghề dệt choàng cũng vậy. Trải qua hơn 100 năm tuổi, Làng nghề dệt choàng ở Long Khánh A, huyện Hồng Ngự còn khoảng 60 hộ theo nghề dệt khăn choàng truyền thống. Mỗi năm, Làng nghề cung cấp ra thị trường gần 2 triệu chiếc khăn rằn các loại, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho một hộ/năm. Đồng thời, làng nghề cũng là điểm đến của những chuyến tàu du lịch quốc tế.

Các cơ sở dệt khăn choàng ở Làng nghề Long Khánh có nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm, ai đến đây, cũng được hướng dẫn đi du lịch, thông tin về lịch sử hình thành của chiếc khăn choàng và công dụng của nó với đời sống sông nước, được trải nghiệm thực tế công đoạn dệt khăn choàng, tự tay trải nghiệm khăn choàng truyền thống đến các loại khăn biến tấu nhiều văn hoa, màu sắc hiện đại, bắt mắt. Ở miền quê sông nước thanh bình, khách quốc tế muôn nơi càng thích thú hơn với những sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường được chắt chiu trong từng sợi chỉ bởi bàn tay của người phụ nữ miền Tây. Ngoài sản phẩm là chiếc khăn choàng truyền thống, nhiều hộ dân còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm thời trang ứng dụng như áo dài, túi đựng đồ đến đa dạng sản phẩm như mũ, nón.

Bà Nguyễn Thị Kim Chiều, Cơ sở dệt choàng Kim Chiều, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cho biết: “Những năm trước người dân ít đi du lịch, khoảng 5, 6 năm trở lại đây, người dân đi du lịch nhiều hơn, nên những mặt hàng của mình bán được rất nhiều, khách du lịch rất thích các sản phẩm của địa phương, họ mua rất nhiều thứ… Hiện nay, cơ sở của mình cũng đang dần đổi mới, phát triển, tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mã, sản phẩm mới để phù hợp với nhu cầu thực tế, và theo xu hướng mới”.

Đến nay, Làng nghề dệt choàng Long Khánh được đầu tư xây dựng nhà trưng bày, cầu tàu để phục vụ khách tham quan bằng đường thuỷ. Đây là làng nghề thứ 3 của tỉnh Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia sau nghề đóng xuồng và nghề dệt chiếu. Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch, trong đó có nghề dệt choàng Long Khánh đang là điểm sáng tích cực và cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch địa phương.

Ông Phạm Thanh An cho biết thêm: Để nghề dệt có sự phát triển thì làng nghề cần được chính quyền địa phương tạo điều kiện mở những lớp đào tạo nghề cho người dân ở Long Khánh mà chưa biết đến nghề dệt, nhất là thế hệ trẻ trong làng, những hộ dân đang sinh sống ở làng nhưng chưa biết đến nghề, có như vậy mới giữ được nghề, phát triển nghề và cũng để di sản địa phương phát huy giá trị về kinh tế, làm giàu cho quê hương, gia đình, xã hội, đưa di sản của Long Khánh đến mọi miền của Tổ quốc.

Qua nhiều thăng trầm của thời gian, những nghệ nhân ở Long Khánh A không chỉ giữ nghề mà còn vươn mình đưa chiếc khăn choàng trở thành mặt hàng có giá trị không thể thiếu cho những du khách khi trở về sau chuyến tham quan, khám phá miền Tây sông nước. Theo những định nghĩa của Unesco, di sản văn hoá phi vật thể đem lại ví dụ sống động về nội dung, phương pháp giáo dục và chuyển giao giữa các thế hệ ở địa phương. Đó là nghề truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ; là những câu chuyện văn hoá về lịch sử. Thông qua các di sản văn hoá phi vật thể có thể truyền đạt về các giá trị lịch sử, sự kỳ vọng của tương lai và để tiếng máy nghề dệt khăn choàng còn vang mãi với thời gian.

Ái Vân