Đời sống

Văn Chấn: Đề án hỗ trợ nông lâm nghiệp tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trần Van 04/01/2024 - 18:46

Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có 15 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.Việc thực hiện các đề án hỗ trợ nông lâm nghiệp đã thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân, góp phần mở rộng diện tích, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng ở vùng cao, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.

306418_tao-sinh-ke.jpg
Lãnh đạo huyện Văn Chấn cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra mô hình trồng na dai Thái Lan tại xã Suối Bu.

Trước đây, diện tích đất trên 1.000 m2 của gia đình chị Vàng Thị Dua ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu chủ yếu trồng 1 vụ ngô. Điều kiện đồi núi dốc, đất canh tác lâu năm nên dù có chăm sóc tốt nhưng hiệu quả cũng không cao. Năm 2020, chị Dua và một số hộ dân trong thôn được huyện triển khai mô hình trồng na dai nội và giống na dai Thái Lan. Ban đầu còn bỡ ngỡ, lo lắng nhưng sau khi được tham quan, tập huấn và được sự động viên hỗ trợ của các chuyên viên, cán bộ phụ trách kỹ thuật, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, chị Dua đã mạnh dạn trồng trên 1.000 cây. Sau 3 năm trồng, chăm sóc, vụ na năm nay, các diện tích của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, mỗi 1 ha na cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Chị Dua chia sẻ: "Ban đầu trồng na mình cũng thấy khó lắm, vì không biết cây này bán như thế nào. Nghe cán bộ bảo trồng mình cũng trồng, vì đất này trồng ngô cũng không hiệu quả. Nay cây đã ra quả, dễ bán mà được giá cao, mua được nhiều ngô, lúa”.

Ở huyện Văn Chấn, Suối Bu là một trong những xã đặc biệt khó khăn, có trên 65% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Điều kiện đất đai nhỏ hẹp, địa hình đồi núi dốc nên tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao. Để giúp đồng bào Mông nơi đây có loại cây trồng hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện đồi núi đá dốc, huyện Văn Chấn đã tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập mô hình trồng na dai tại tỉnh Lạng Sơn, trồng măng tre Bát độ ở huyện Trấn Yên. Đồng thời xem xét, tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ của các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ cho nhân dân thử nghiệm mô hình trồng 7 ha na dai, hơn 20 ha măng tre Bát độ. Qua việc triển khai, các cây trồng mới đều sinh trưởng và phát triển tốt, một số diện tích đã cho thu hoạch với triển vọng kinh tế cao.

Bà Sùng Thị Xía - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu phấn khởi cho biết: "Với điều kiện đất đai ít, lại là đồi núi dốc nên bà con người Mông chúng tôi canh tác không mấy hiệu quả. Đưa cây na dai và tre măng Bát độ vào trồng tại xã bước đầu cho thấy phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao gấp đôi, gấp ba lần so với trồng ngô trên đất dốc. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được hỗ trợ, giúp đỡ để nhân rộng mô hình trên địa bàn xã”.

Có điều kiện đất đai thuận lợi hơn Suối Bu nhưng nhân dân xã Nghĩa Sơn lại chưa biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhận thấy măng sặt là cây trồng có giá trị, được mọc tự nhiên, phù hợp với đất đai, khí hậu của các xã vùng cao, năm 2020, huyện Văn Chấn đã triển khai Đề án hỗ trợ trồng cây măng sặt tại xã Nghĩa Sơn và một số xã vùng cao.

Được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc nên nhân dân rất phấn khởi. Ngoài diện tích trồng theo đề án, nhân dân nhiều xã còn tự mở rộng diện tích măng sặt. Từ chỗ khai thác tự nhiên, đến nay đồng bào các dân tộc vùng cao đã biết trồng, chăm sóc măng sặt để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Chị Vì Thị Nhật, thôn bản Lọng, xã Nghĩa Sơn cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ biết đến mùa vào rừng thu hoạch măng sặt, nhưng đường xa, phụ thuộc vào thời tiết nên chỉ đủ ăn. Khi tham gia Dự án trồng măng sặt, chúng tôi đã biết cách trồng mới, chăm sóc và khoanh nuôi bảo vệ các diện tích măng tự nhiên nên có nguồn thu nhập mỗi năm từ 30 - 50 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị đã cùng bà con tích cực mở rộng và chăm sóc các diện tích cây măng sặt để nâng cao sản lượng măng hàng năm.

Có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, Văn Chấn có rất nhiều cây trồng thế mạnh, có giá trị cao, như nếp Tan, chè Shan tuyết, quế, cây ăn quả có múi, cây dược liệu... Tuy nhiên, các diện tích cây trồng phân bố không đều, đặc biệt khu vực vùng cao, vùng đồng bào DTTS, cơ cấu cây trồng còn hạn chế, các loại cây trồng có giá trị chưa phát huy được lợi thế.

Trăn trở với bài toán chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp ở vùng cao, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban triển khai nhiều đề án như: trồng chè Shan tuyết dâm cành, trồng quế, trồng mắc ca xen chè, trồng măng sặt, thảo quả. Việc thực hiện các đề án hỗ trợ đã thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân, góp phần mở rộng diện tích, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng ở vùng cao. Đến nay, diện tích quế toàn huyện đạt trên 8.500 ha, chè Shan tuyết trên 1.400 ha, măng sặt trên 140 ha, mắc ca xen chè đạt gần 130 ha.

Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: Phòng đã tham mưu với UBND huyện triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế để tạo sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; trong đó, ưu tiên đến các giải pháp tạo việc làm tại chỗ, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen trong canh tác cũng như trong đời sống sinh hoạt. Phòng đã trực tiếp tham gia cùng Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn đồng bào Mông xã Suối Bu triển khai mô hình trồng na dai, bước đầu đã làm thay đổi tư duy canh tác, tạo động lực để đồng bào Mông chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Triển khai các đề án phát triển nông, lâm nghiệp đã góp phần đưa mức thu nhập bình quân của người dân Văn Chấn lên trên 38 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn trên 11,2%. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 4,7% mỗi năm, trong đó 90% hộ nghèo là người đồng bào DTTS, huyện Văn Chấn đang tập trung các nguồn lực hỗ trợ đồng bào DTTS, tạo sinh kế để họ thoát nghèo bền vững, trọng tâm là mở rộng và nâng cao chất lượng các vùng chuyên canh cây trồng thế mạnh, tăng cường hợp tác; tạo các chuỗi liên kết giá trị để nâng cao giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông, lâm sản thế mạnh. Huyện cũng tăng cường các nguồn lực, triển khai các tiểu dự án để đồng bào các DTTS tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng có chất lượng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trần Van