Đời sống xã hội

Mô hình an sinh xã hội gắn kết, thắt chặt tình cảm quân - dân vùng biên.

Thúy Hạnh 04/01/2024 - 17:32

Thấm nhuần tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của Bác Hồ, tại vùng biên tỉnh Đồng Tháp, bên cạnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ, hoạt động quân sự quốc phòng, thì các mô hình an sinh luôn được cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 320 anh hùng quan tâm thường xuyên. Điều này, không thể chỉ thể hiện tích cực đời sống tinh thần, vật chất của người dân địa phương, mà còn góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết quân - dân nơi biên giới.

Bằng khen Tổ quốc ghi công, những Huân Chương kháng chiến được treo ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà nhỏ của mẹ Trần Thị Tiệp ở xã Bình Thạch, thành phố Hồng Ngự - người có chồng và con trai đã hy sinh cho cách mạng. Mẹ đã ngoài 80 tuổi, đang ở cùng con trai út. Vào thời điểm lễ, tết, trong căn nhà chính sách, ấm hơn ngày thường. Bác Hồ từng căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Sinh ra từ nhân dân, được người dân đùm bọc, nuôi dưỡng, che chở thì quân đội phải luôn có “hiếu với nhân dân”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Trung đoàn Bộ binh 320, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp đã và đang thực hiện mô hình “Bữa cơm nghĩa tình, đền ơn đáp nghĩa” và nhiều hành động, việc làm thiết thực khác.

4-1-2-anh.png
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320 đến thăm và tặng quà gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà Nguyễn Thị Nhung (giữa)

Thuộc diện gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhung ngụ tại ấp 3 (xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự), tuổi cao lại không có con, nên chỉ biết dựa vào nhau lúc xế chiều. Nay ông bà đã ấm lòng hơn nhờ được cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 320 chăm sóc. Căn nhà bị xuống cấp đã được sửa sang lại, bữa cơm cũng được hỗ trợ hơn, bà Nhung vui mừng nói: “Vợ chồng tôi vui lắm. Vui vì các chú bộ đội đã dành tình cảm đặc biệt quan tâm, chăm lo cho gia đình. Có mấy cháu ghé thăm, dọn dẹp, sửa chữa nhà ở, đi chợ nấu ăn, nhà cửa ấm cúng hơn, vợ chồng tôi cũng bớt phần hiu quạnh”.

Hoặc như hoàn cảnh của bé Lê Thị Bích Chi ở xã An Hòa, huyện Tam Nông. Mới có 8 tuổi đầu, nhưng bé đã bị mồ côi cha, mẹ cũng không có ở bên. Dù vậy, mỗi ngày bé Chi đều cố gắng học hành chăm chỉ, mong thắp lên ánh sáng cho tương lai. Nhưng, con đường đến trường của bé vẫn còn không ít khó khăn, khi ông bà đã có tuổi. Rất may, em đã được tiếp sức nhờ cán bộ, chiến sỹ ở địa phương quan tâm, giúp đỡ.
Bé Chi chia sẻ: “Ông nội con bị tai nạn, còn bà nội con còn vất vả đi kiếm tiền và cho bò ăn. Mấy chú đến hỗ trợ con tiền và cho con thêm gạo để ăn. Con cảm ơn các chú nhiều lắm”.
Bà nội của bé Chi vui mừng nói: “Chúng tôi mang ơn mấy chú bộ đội, đã giúp đỡ, hỗ trợ cháu tôi đồ dùng, dụng cụ học tập. Tôi mừng vui lắm”.

Đó là một trong những hoàn cảnh gia đình chính sách, đơn chiếc, khó khăn được các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320 quan tâm, chia sẻ từ mô hình “Nghĩa tình quân – dân vùng biên”. Từ năm 2022, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320 đã tiết kiệm được gần 25 triệu đồng, hơn 2,4 tấn gạo để thực hiện mô hình này. Hàng tháng, mỗi đơn vị của Tiểu đoàn nhận tặng hai gia đình một suất quà gồm 20kg gạo và 200.000 đồng. Không chỉ vậy đơn vị còn thường xuyên đến thăm hỏi, cử chiến sỹ đến giúp người dân sửa chữa nhà cửa, giúp người già neo đơn công việc nội trợ. Kinh phí thực hiện mô hình này được trích từ quỹ tăng gia sản xuất và “Hũ gạo tiết kiệm” của đơn vị. Đơn vị đã hỗ trợ hàng tháng cho 12 gia đình, sửa chữa nhà giúp 145 hộ, trở thành một chỗ dựa tin cậy giúp đỡ người dân vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Binh nhất ngô Nguyễn Hoàng Ân, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320, bày tỏ: “Giúp được người dân, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, chúng tôi đều sẵn lòng và thấy rất hạnh phúc”.

Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320, Thiếu tá Nguyễn Thành Được nói: “Phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công tác dân vận. Mô hình “Nghĩa tình quân - dân vùng biên” đã được nhân rộng trong toàn lực lượng vũ trang. Tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân là yêu cầu tất yếu, cốt lõi trong đường lối xây dựng quân đội của Đảng ta, góp phần cùng địa phương chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

4-1-mo-hinh-an-sinh.png
Các chiến sỹ Trung đoàn 320 rải đá chống lầy, giúp người dân xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đi lại được thuận tiện.

Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Tam Nông, bà Phan Trần Như Linh cho biết: “Mô hình an sinh biên giới giữa quân và dân thể hiện được tinh thần đoàn kết, gắn bó cũng như là tương thân, tương ái của các anh chiến sỹ với người dân của địa phương. Đồng thời, mô hình này cũng hỗ trợ cho địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội”.

Những năm qua, nhiều hoạt động an sinh xã hội được lực lượng quân đội triển khai rộng khắp. Nổi bật là phong trào thi đua lực lượng quân đội tỉnh với phương châm “Chung tay vì người nghèo”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”cùng nhiều hoạt động, mô hình an sinh, hỗ trợ thiết thực, lâu dài. Mỗi tuần một địa chỉ ý nghĩa, ước tính giá trị các hoạt động hơn 81 tỷ đồng. Những mô hình ý nghĩa được các cán bộ, chiến sỹ quan tâm thực hiện, đã góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, thắt chặt nghĩa tình quân -dân.

Mỗi nơi cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 320 đi qua, đều đọng lại bao niềm yêu mến và thấm đượm nghĩa tình quân, dân bền chặt. Nghĩa tình quân - dân vùng biên là mô hình sáng tạo, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và chung sức thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn khó khăn. Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320, Bộ Chỉ huy quân sự tình Đồng Tháp đã giúp nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên cải thiện cuộc sống.

Thúy Hạnh