Công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số đạt kết quả tích cực
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai triển khai đồng bộ các giải pháp trong Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Đôi tay thoăn thoắt cắt và bó cỏ mía trong vườn nhà, ông Rơ Chăm Chon (SN 1977, làng Mrong Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết, cỏ này để dành cho cặp bò mẹ con của gia đình mình.
Ông Chon cho biết, năm 2020, ông là một trong 5 hộ nghèo trong làng được huyện Chư Păh tặng bò sinh sản, nay bò mẹ đã sinh con gần một năm, chuẩn bị sinh lứa thứ 2.
Ngoài tặng bò, UBND xã Ia Ka cũng đã tiếp sức cho gia đình ông Chon bằng nhiều hình thức thiết thực khác như vận động ông tham gia lớp tập huấn thay đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, vợ con ông Chon được tham gia lớp học cạo mủ cao su.
Hiện nay, gia đình ông đã có 2 người được nhận vào làm công nhân công ty cao su tại huyện, với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng/người.
Năm 2022, gia đình của anh Chon đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Ông Chon cho biết, trước đây, cũng vì cái nghèo, cái khổ mà 4 đứa con của ông nghỉ học sớm để phụ cha mẹ làm rẫy, nhưng nay gia đình thoát nghèo rồi, có thu nhập ổn định và bắt đầu có tích lũy hàng tháng, ông đã tự tin có thể lo cho 2 đứa con còn lại học hành tới nơi, tới chốn.
Ông Chon cho biết, thời gian tới gia đình ông sẽ mua thêm máy bơm, tái canh rẫy cà phê, chăm sóc thật tốt để ổn định cuộc sống.
Còn tại làng Mrong Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, nhóm thợ xây nhà cho gia đình chị Rơ Chăm Thùy (SN 1983) đang khẩn trương hoàn thiện căn nhà để kịp cho gia chủ đón Tết.
Chị Thùy cho biết, trong suốt cả chục năm kể từ khi kết hôn tới nay, 2 vợ chồng chị loay hoay trong cảnh đông con, ruộng rẫy ít, nên cái nghèo, cái đói cứ bám riết. Ngôi nhà lụp xụp ốp tôn 4 phía vốn đã chật chội, 2 năm nay lại thêm siêu vẹo, dột nát, khiến chị rất lo lắng.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện kịp thòi của chính quyền địa phương, năm 2022, được hỗ trợ 70 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vợ chồng chị mượn thêm họ hàng 2 bên thêm 40 triệu đồng để xây căn nhà cấp 4 gần 50m2.
Ngôi nhà dù chưa lớn, nhưng có đủ 2 phòng ngủ, một phòng khách, rất chắc chắn, cũng đủ để gia đình chị cảm thấy yên tâm, ấm lòng.
Chị Thùy cho biết, có nhà rồi, chị có thêm động lực để giữ lại đất đai, đầu tư chăm bón cà phê, vươn lên ổn định cuộc sống.
Từ năm 2016 tới nay, hàng năm, các hộ nghèo ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi năm để triển khai những hoạt động giảm nghèo.
Để nguồn vốn được triển khai hiệu quả, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các ban dân thôn, thống kê số hộ nghèo, phân tích nguyên nhân gốc rễ đối với vấn đề nghèo và tái nghèo của từng hộ dân.
Từ đó, triển khai chương trình phù hợp với nguyện vọng như dạy nghề, tập huấn thay đổi tập quán sản xuất, làm nhà mới, tặng bò sinh sản, tặng máy móc nông cụ sản xuất nông nghiệp… Phương châm của địa phương là hỗ trợ bà con tạo sinh kế, thay đổi nếp nghĩ cách làm, nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững.
Đây cũng là công tác gắn chặt với Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.
Ông Rơ Châm Nglai - thôn trưởng làng Mrong Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh - cho biết, trước đây, làng Mrong Ngó 3 có 21 gia đình thuộc hộ nghèo. Đến thời điểm hiện tại đã giảm xuống còn 10 hộ. Trước đó, có 6 hộ gia đình được hỗ trợ bò nuôi sinh sản,sau một thời gian nuôi, đàn bò này tiếp tục giao cho các hộ khó khăn hơn tiếp tục nuôi sinh sản, từ đó bà con có điều kiện phát triển kinh tế.
Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có gần một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai và Ba-Na. Theo chuẩn nghèo đa chiều, tổng số hộ nghèo tại tỉnh là 45.600 hộ, chiếm tỷ lệ 12,09%.
Trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là khoảng 88%. Vì thế, công tác giảm nghèo ở bộ phận dân cư này luôn được Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Ông Phan Văn Thiện - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai - cho biết: "Chúng tôi tổng hợp nhu cầu để gửi huyện, công bố danh mục, tránh tình trạng áp đặt thì sẽ không đúng với chương trình giảm nghèo của bà con đề ra.
Lộ trình 2021-2025, chúng tôi đăng ký với huyện là 57 ngôi nhà dành cho hộ nghèo. Với hộ nghèo có nhu cầu về cấp giống cà phê tái canh, hay có nhu cầu cấp bò, chúng tôi đã sàng lọc, đăng ký để chuẩn bị cấp về cho bà con".
Theo mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU năm 2017 của Tỉnh ủy Gia Lai về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh bình quân 2%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên. Tới 2030, toàn tỉnh không còn huyện nghèo, và không còn xã đặc biệt khó khăn.
Đây cũng là nội dung trong Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Cụ thể là có các hoạt động, chương trình thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Kết quả, giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh Gia Lai giảm 15,75% tổng số hộ nghèo, bình quân giảm hơn 3,15%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân giảm hơn 5,33%/năm... Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm.
Ông Phạm Trần Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai - cho biết: "Ngành lao động, thương binh sẽ tham mưu cho chính quyền, cấp ủy cơ sở xây dựng những giải pháp cụ thể, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo.
Đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực từ trung ương; phối hợp với các mặt trận, đoàn thể, chính trị, xã hội các cấp để huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội để đầu tư cho người nghèo phát triển sản xuất".
Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền các địa phương, cùng sự đoàn kết, chung tay và nỗ lực của Nhân dân trong việc đẩy lùi cái nghèo, đời sống kinh tế- xã hội của nhân dân các dân tộc tại tỉnh Gia Lai sẽ được phát triển, ngày càng nâng cao hơn.