Người phụ nữ Thái làm giàu từ nuôi dúi sinh sản
Mô hình nuôi dúi sinh sản của chị Phìn Thị Mỹ ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân nơi đây.
Bén duyên nghề nuôi dúi
Vào ngày đầu tháng 1/2024, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi dúi sinh sản của gia đình chị Phìn Thị Mỹ (SN 1996) ở bản Bó, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Trò chuyện với chị Mỹ, chúng tôi được biết: Năm 2017, thấy bà con lên rừng và bắt được dúi con mang về, hai vợ chồng chị nảy ra ý định mua lại những con nhỏ để nuôi thử nghiệm.
Sau một thời gian nuôi, dúi con thích nghi và phát triển ổn định, nhận thấy nguồn thức ăn cho dúi cũng đơn giản nên chị đã bàn với chồng nuôi dúi làm hàng hoá. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhiều con bị thương, đuối sức và chết.
“Tôi vào internet tìm hiểu những kiến thức liên quan đến mô hình chăn nuôi dúi, đi tham quan một số trang trại. Sau đó quyết định lựa chọn mô hình nuôi dúi sinh sản để đầu tư”, chị Mỹ chia sẻ.
Năm 2018, với số vốn tích lũy được, chị Mỹ mạnh dạn mua 30 đôi dúi giống tại tỉnh Hà Giang về nuôi thử nghiệm tại nhà.
Sau một năm chăm sóc, đàn dúi nhà chị Mỹ đã sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi đợt xuất bán mang lại thu nhập cao cho gia đình. Chị và chồng đã tiếp tục mua thêm 300 con về nuôi. Trong năm 2019, gia đình chị đã đăng kí giấy phép kinh doanh.
Với tính chăm chỉ, chịu khó tìm tòi nên vợ chồng chị Mỹ đã nắm bắt được kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi dúi sinh sản. “Dù kỹ thuật nuôi dúi khá đơn giản nhưng cần phải thực sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian chăm sóc và theo dõi thường xuyên”, chị Mỹ nói.
Đến nay, trang trại dúi của chị Mỹ có trên 1.000 con với hai loại dúi má đào và dúi mốc. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình chị thu nhập gần 500 triệu đồng/năm từ bán dúi sinh sản.
Chia sẻ kinh nghiệm
Dẫn chúng tôi thăm quan trang trại, chị Mỹ cho biết: Sau khi đăng kí giấy phép kinh doanh, chị được UBND xã cho mượn công trình cũ để mở rộng trang trại. Chị Mỹ cho xây 10 gian nhà, mỗi gian chị bố trí từ 65 - 70 chuồng, chuồng được làm bằng gạch menrộng 60x60cm nuôi nhốt từ 1 - 2 con. Còn tại nhà, chị dựng thêm 300 chuồng nuôi nhốt.
Chuồng nuôi dúi luôn giữ khô ráo, thường xuyên quét dọn, xử lý phân thải và thức ăn cũ thừa… nhằm phòng các bệnh tiêu chảy. Bên cạnh đó, chị Mỹ đặc biệt quan tâm tới việc tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ tránh ảnh hưởng tới vòng sinh sản của dúi mẹ.
Dúi thích ăn tre, nứa, cây sắn,… những thứ này gia đình chị đều có sẵn nên tiết kiệm được nhiều chi phí chăn nuôi. Cứ 2 - 3 ngày một lần, vợ chồng chị lên nương, rừng để chặt tre, nứa chắc, khỏe, không bị sâu bệnh, chẻ thành từng thanh rồi cho vào máy nghiền thành bột.
Mỗi ngày 2 lần, mỗi khi cho dúi ăn, chị đều tiến hành kiểm tra từng con một. Việc làm này giúp chị xem vật nuôi phát triển đến đâu và có bị dị tật không. Đến ngày dúi sinh sản, vợ chồng chị chăm lo chỗ ở, tăng chất dinh dưỡng để con mẹ và con non có thêm sức đề kháng.
Bên cạnh đó, việc phòng, chống dịch bệnh cho dúi luôn được chị quan tâm. Chuồng trại thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, được phun thuốc khử khuẩn; dùng vỏ trấu, mùn cưa để rải lên mặt chuồng, tiện lợi trong việc vệ sinh.
Chị Mỹ chia sẻ, hiện chị đã giành được số vốn kha khá, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô tạo thêm việc làm cho bà con trong bản. Ngoài ra, chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật về quy trình nuôi dúi sinh sản cho những ai có nhu cầu, nhằm giúp bà con thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.